Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Phi-Kim-Dung và tình yêu

LTS: Bài viết ‘Phi-Kim-Dung và tình yêu’ này đã được đăng trong blog.yahoo.360 vào ngày 3/12/2011 và được 2 bạn đọc ở Cali và một số bạn trong nước đăng tải... Hôm nay, cấu trúc của nó được sắp xếp cho dễ đọc hơn. Tên bài viết là ‘PHI-KIM-DUNG’ và 'TÌNH YÊU', có nghĩa là nhắc đến Kim Dung, nhưng không hẳn là bàn về Kim Dung, vì mình nhìn cuộc đời qua một chiếc 'lá bàng'... Xin cám ơn bạn các blogger đã và đang quan tâm đọc bài này. 

Anh gửi vào em chút lã lơi
Đôi mắt hồ thu đẹp tuyệt vời
Là người hay tiên trên trời vậy
Em xuống trần gian khuấy động đời

'Vắng em thu tàn lối bơ vơ'

Rừng thu xao xác bóng ai chờ
Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ
Lá thu hờ hững rơi trong mơ
Phần 1: Ta sẽ gặp Kim Dung 


Để mở đầu, xin nói là những điều hắn viết ra dưới đây chỉ là những cảm xúc từ trái tim về ‘phi-Kim-Dung’ trong một ngày thứ Bảy buồn và cô đơn mà thôi, và chắc vì bản chất của triết học là sự tĩnh lặng, nên hắn hy vọng là sẽ không tham gia luận bàn về Kim Dung, mong các bạn rành về Kim Dung thông cảm cho.


Thú thật, hắn cũng có đọc qua một số tài liệu bình về Kim Dung trước và sau giải phóng, đọc một số lời bình tổng quan trong những cuốn sách tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung xuất bản sau giải phóng, đọc tản mạn trong báo, trên mạng hay nghe tán gẫu về Kim Dung nơi quán cà phê, được trao đổi hai chiều với nhiều thầy giáo, thương gia, blogger hay các fan hâm mộ Kim Dung, đặc biệt là được nghe cảm tưởng của bác hắn, ba hắn và chú hắn về Kim Dung khi họ khi còn sống.

Trước đây, hắn mê sách còn hơn mê gái. Hắn đã được đọc một số truyện của Kim Dung khi còn năm tuổi, lý do là ba hắn mua sách bỏ ngay trong tủ trước mặt hắn. Đến nay, mỗi truyện này hắn đọc hàng chục đến hàng trăm lần, còn xem phim chưởng Kim Dung thì bao nhiêu lần không kể xiết. Nhưng khi viết bài này, hắn đã quên gần hết rồi, ông trời đã phạt hay thưởng hắn thì không rõ, đó là hắn bị mất trí nhớ, do đó hắn chỉ hiểu ý chứ không nhớ lời. Điều này có thể tạm ví như Vô Kỵ đã may mắn học được ‘Thái cực kiếm’ rồi quên hết toàn bộ kiếm chiêu mà chỉ nhớ kiếm ý, 'học mà còn nhớ dường như là chưa hiểu hết được tinh hoa của cái mà mình đã học (Einstein)'.

Có rất nhiều tư liệu viết về Kim Dung trên mạng hay ngoài xã hội, nhưng hắn không đầu tư nhiều thì giờ để đọc, mà có cho đọc hắn cũng không đọc, đọc nhiều quá thì mình sẽ biến thành một cái máy tư duy theo tư tưởng của người ta, và khi đó mình không còn là chính mình nữa.

Hồi trẻ, hắn nghe chú hắn nói rằng, trong thời gian sáng tác, Kim Dung ở một khách sạn ở Hồng Kông, có các phóng viên đăng ký ở các khách sạn quanh đó, hễ mà ông sáng tác được bài nào, dù là nửa trang, bài viết đó lập tức được dịch và đăng tải trên đài BBC, đài VOA và nhiều tờ báo trên thế giới. Chú hắn còn khẳng định ‘Kim Dung là nhân vật có một không hai trong lịch sử văn học Trung Quốc và nhân loại, đó là người duy nhất viết tiểu thuyết mà từ trẻ con, anh xe ôm, kẻ trí thức đến nhà bác học đều có thể đọc được và hiểu hay cảm nhận theo cách của mình’.

Đã muốn nói đến Kim Dung thì ít nhiều phải liên quan đến các lĩnh vực như triết học, vật lý học, vũ trụ/thiên văn học, toán học, tâm lý học, văn học, âm nhạc, hội họa…, kể cả học thuyết chính trị mà dưới đây hắn chỉ nói vài dòng thôi. Thêm nữa, đây chỉ mới là bản thảo mà hắn sẽ nghiên cứu chỉnh sửa hay bổ sung thêm sau khi đăng tải bài này.

Đã nhắc đến Kim Dung thì phải nhắc đến Cổ Long, nếu không lầm thì tên tuổi hai ông sẽ trở thành bất tử, chắc đến hàng ngàn năm sau. Với Cổ Long, ta có thể thấy trong đó một số hình ảnh của các thám tử như Sherlock Holmes, Conan, Tintin hay Lucky Luke, mà tính triết lý, sự logic trong phân tích và quan sát mới là điều đáng quan tâm, còn việc Sở Lưu Hương, Lục Tiểu Phụng, Tiểu Lý Phi Đao hay Tây Môn Xuy Tuyết dùng võ công gì là không quan trọng.

Cũng có một ‘bật mí’ nhỏ, trong tất cả bài viết trong blog này, từng câu, từng chữ, từng ý, hắn đều dẫn đến một chữ ‘’ bằng cách lấy ‘tiếu ngạo’ làm phương tiện mà trong đó hắn xem tình yêu như là cứu cánh duy nhất và cuối cùng của con người.

Sao hắn lại nói là phi-Kim-Dung? Tại sao ta phải xem ông ấy như là một cái gì ghê gớm lắm, trong khi ông ấy đã nói ‘Tạ Tốn cũng là cục phân, cục phân cũng là Tạ Tốn’. Kim Dung cũng có suy nghĩ, tình cảm và tình yêu bình thường như chúng ta, nếu được gặp ông ấy và nói ông là ‘thiên tài’ thì chắc ông ngơ ngác không hiểu; Einstein cũng vậy thôi. Theo hắn biết thì Kim Dung, sau khi con trai trưởng mất (năm 1976), ông đã đi quy y cửa Phật. Hãy đừng đánh thức ông ấy dậy, hãy để ông ấy ở chốn yên bình của sự tĩnh mịch vô biên.


Hãy đừng gán đậm chữ ‘võ’ vào truyện của Kim Dung, võ thuật/võ học đối với ông chỉ là một phương tiện để diễn đạt tư tưởng của ông, hãy xem truyện của Kim Dung như là truyện tình cảm như chúng ta vẫn thường xem phim tình cảm Hàn Quốc vậy. Điều đó có thể nói nôm na như là áo quần người ta mặc, nó chỉ là một phương tiện chứ không phản ánh bản chất của người đó, hay người ta viết truyện ‘ma’ thì không phải mục tiêu là nói về ma, mà hàm chứa một nội dung khác. Chỉ có một sự khác biệt là Kim Dung đã sáng tạo ra một loại tiểu thuyết võ hiệp 'tình cảm' đa dạng dựa trên phong cách ‘đơn giản' của các truyện võ hiệp đã tạo dựng trước và trong thời ông sống, chính sự sáng tạo đó đã và đang làm thu hút ngày càng đông người hâm mộ trên khắp thế giới.

Để diễn tả ý niệm về ‘ngộ không’, người ta đã viện đến chư thần, yêu quái, Phật, Thượng đế, ’72 phép thần thông’ hay ‘như ý kim cô bổng’ như là một phương tiện. Để diễn tả võ đạo hay triết lý võ học nói lên ‘mọi thứ võ đều là một’, Lý Tiểu Long đã trao đổi, học hỏi và hợp nhất các tinh hoa võ học từ Karatedo, Judo, võ Thái Lan, Triệt quyền đạo… Ngày xưa, để chiến đấu, người ta dùng gươm giáo, thì ngày nay người ta dùng súng đạn hay dùng đồng tiền, mà không phụ thuộc vào phương tiện nào được dùng, xã hội vẫn mãi mãi là xã hội. Chắc các bạn ngày nay hẳn nghe câu nói ‘tôi sẽ giết hắn bằng tài chính chứ không phải bằng sức mạnh!’.

Mặc dù tuyệt đại đa số người xem truyện của Kim Dung như là truyện kiếm hiệp hay võ hiệp, nhưng theo hắn, hắn xem truyện của Kim Dung cũng là một loại truyện tiểu thuyết như các tác phẩm khác ‘Chiếc lược ngà’ của Nguyễn Quang Sáng, ‘Hội chợ phù hoa’ của Thackeray, ‘Lũ người quỷ ám’ của Dostoyevsky, ‘Đoạn đầu đài’ của Aitmatov hay 'Người tù khổ sai’ của Henry Charriere...


Hãy lắng nghe tiếng kêu ‘Ba..a..a..ba’ từ miệng cô bé trào ra một tình cảm hạnh phúc bị dồn nén âm ỉ, khi bất thần nhận ra đó chính là ba mình trùng với khát vọng sau tám năm chờ đợi (truyện nói trên của Nguyễn Quang Sáng), hồi trẻ khi đọc đến đây hắn đã rướm nước mắt và bây giờ cũng vậy. Giả sử có bạn nào mất cha mà bây giờ bất ngờ cha bạn xuất hiện, bạn sẽ kêu lên tiếng ‘Cha’ như thế nào, hay ngược lại đối với người mất mẹ, tiếng kêu ‘Mẹ’ sẽ như thế nào nếu bạn thình lình gặp mẹ? Vậy tiếng kêu ‘Nghĩa phụ’ của Vô Kỵ tại Linh Xà đảo sẽ có tình cảm tha thiết vô cùng như thế nào khi gặp lại cha nuôi tinh thần là Tạ Tốn sau 10 năm lưu lạc với đầy rẫy những cam khổ (chuyện chàng có cầm trong tay thanh ‘Ỷ thiên kiếm’ hay có môn võ ‘Càn khôn đại na di’ ở đây không phải là vấn đề).

Không ai khẳng định là Kim Dung biết võ, mà nếu ông biết võ thuật thì ở đẳng cấp nào, nghi ngờ lắm. Một cách đơn giản, ông chỉ nhìn thế giới tự nhiên này vận động và đứng ở một góc nào đó mà mô tả bằng chính cảm nhận của trái tim mình. Sự phát triển của các nhân vật của Kim Dung cũng tự nhiên như là bàng rơi rụng, không ai có thể dự đoán trước số phận gì sẽ xảy ra cho các nhân vật. Sự sáng tạo các môn võ công cũng là kết quả học hỏi từ tự nhiên như các môn Hầu quyền, Hạc hình quyền hay Thái cực quyền. Điều này cũng cũng tự nhiên như khi Einstein sáng tạo ra ‘Thuyết tương đối’, như khi Newton khám phá ra ‘Định luật vạn vật hấp dẫn’ hay như anh chàng Sác-lô (Charlie Chaplin) nghĩ ra những chuyện hề vậy. Trong truyện Kim Dung, có nhân vật đạt đến đỉnh cao của võ học được thiên hạ mệnh danh là Côn Luân Tam Thánh (kiếm thành, cầm thánh, kỳ thánh) cũng do tính khiêm tốn và tự biết võ công của mình là từ tự nhiên mà ra nên mới lấy tên là Hà Túc Đạo (không có gì đáng nói).

Ngoài ra, không nên gán ‘đạo’ hay nghệ thuật gì cho truyện của Kim Dung như trà đạo, ‘tửu’ đạo, ‘nhạc’ đạo, ‘thi’ đạo, nghệ thuật trồng hoa, nghệ thuật đánh bài hay võ thuật (nếu nói ‘có’ thì vô tình tặng cho Kim Dung có thêm nghệ thuật yêu nữa!), rõ ràng rằng không có ai đọc Kim Dung để học võ hay nghệ thuật uống trà... Có lẽ người đọc sẽ bị hạn chế bởi các loại ‘đạo’ trên mà có khả năng bị rơi vào thế giới của phân tích, sa vào chi tiết ‘nhìn thấy cây mà không thấy rừng’, và do đó càng xa rời chân lý! Nếu muốn nói ‘có’, thì Kim Dung chỉ có một thứ thôi, đó là 'không' đạo.

Hỡi thế nhân, Phong Thanh Dương đã đi về đâu? Tạ Tốn đã đi về đâu? Hồng Thất Công - Âu Dương Phong đã đi về đâu? hay Dương Quá - Tiểu Long Nữ đã đi về đâu?...

Họ đã đi về đâu? Ta sẽ tìm hiểu. Và ở nơi đó, ta sẽ gặp Kim Dung.


Phần 2: Thế giới và con người


Tư tưởng hay chân lý của loài người như một cái hình xoắn ốc mãi tiến hóa và biến ảo khôn lường từ 'trên' quy mô vũ trụ đến mức 'dưới' hạt lượng tử mà ta không bao giờ tiếp cận được đến nơi đến chốn. Ta không thể sắp xếp tư tưởng con người như ta sắp nguyên tố vào bảng phân loại tuần hoàn của Mendeleev, như ta lấy nhiều mảnh nhỏ từ nhiều tờ báo khác nhau để ráp thành một bức tranh, hay những hạt cát gắn nhau để trở thành cái hòn non bộ, như sự phân rã hạt nhân, như những bức tranh hội họa lập thể của Picasso hay như việc thiết lập một bản đồ Gen...

Thế giới mà ta đang sống là một thế giới đa cực và đầy mâu thuẫn, thiên hạ chia năm xẻ bảy, có vô số thế lực giành giật hay tranh chấp quyền lợi lẫn nhau mà mọi giá trị của con người có thể bị đảo lộn và thậm chí bị thủ tiêu. Chuyện đó thường xuyên xảy ra dưới thời chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tiền tư bản/thuộc địa nửa phong kiến, rồi tư bản ngày nay. Qua mỗi thời kỳ đó, con người vô tình trở thành nạn nhân, bị lợi dụng và do đó bị dày xéo trong các cuộc tranh chấp tương tàn đó, và do đó chuyện ‘thân phận con người’ vẫn là quy luật của muôn đời. Có thể tạm hiểu rằng khi chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước ra đời cùng với cái được gọi là ‘thế giới tự do’ hay ‘nền kinh tế thị trường’ thì đã đi ngầm với ý đồ thống trị mà trong đó thế giới dường như vận hành theo ý đồ của các nước lớn. Chẳng hạn, một số nước giàu mạnh có thể dễ dàng nhúng tay vào chuyện của LebanonIsraelAfghanistan, Iraq hay Iran…, hay có những nước đang bành trướng thế lực ở biển Đông. Nhưng những vấn đề này là một thực tại mà còn dài, khó hiểu và rất phức tạp. Cần nói thêm rằng, sự am tường lịch sử, mặc dù rất quan trọng nhưng không phải là mục tiêu của người viết, tất cả các nội dung đều là cảm xúc của một của ‘nghệ sĩ triết học’ (theo Tiến sĩ kỳ lạ) và do đó không thể lấy đó làm tư liệu lịch sử.

Thế giới này cuối cùng vốn là bất khả tư nghị, là nghi vấn, là bí mật vĩnh viễn và là cái mà làm cho con người đi từ sửng sốt này đến sửng sốt khác, dù cho đến mãi 10.000 năm sau hay mãi mãi nếu loài người còn tồn tại. Thế giới này sẽ mãi mãi đặt ra cho chúng ta câu hỏi ‘ta là ai’ mà không bao giờ có lời giải đáp hoàn hảo, bất chấp bạn có là thiên tài xuất chúng đến đâu chăng nữa.

Thế giới con người - thuộc về thế giới tự nhiên - là vô bờ bến và trùng trùng duyên khởi, và do đó nó là kết quả của sự tác động tương hỗ của rất rất nhiều yếu tố có liên quan từ quá khứ vô cùng đến hiện tại. Nó là sự kết nối của các 'dấu chấm' như Steve Jobs đã nói. Cái thuận và cái nghịch đều có giá trị tương đương và có thể kết hợp thành một bức tranh hoàn chỉnh như 'Lưỡng nghi đao pháp' và 'Phản lưỡng nghi đao pháp' vậy. Cái gì trên đời này cũng có khắc tinh của nó, ví dụ như Hàm Mô Công thì có Nhất Dương Chỉ trị vậy. Người ta có thể lợi dụng cái của người để chống lại người như môn 'Càn khôn đại na di' hay 'Đẩu chuyển tinh dời' vậy.

Cuộc đời là một hàm số đa biến, trong đó việc vượt qua số phận của ai đó thì phụ thuộc vào rất nhiều biến số. Sự phát triển nội tại là thuộc tính vốn có của con người, nhưng tác động của thế giới bên ngoài là những yếu tố không kém phần quyết định, mà một trong chúng là cơ duyên. Ví dụ, một Trương Vô Kỵ rớt xuống vực thẳm mà học được ‘Càn Khôn đại na di tâm pháp’ hay một Lệnh Hồ Xung hay Dương Quá lạc vô hang động mà học được ‘Độc cô cửu kiếm’ vậy.

Phải chăng số phận của con người đến từ sự ngẫu nhiên, con người được sinh ra và phát triển trong một thế giới xa lạ mà không phải do mình tự chọn, và do đó, dường như bản chất con người là cô đơn. Chính những nhà chính trị khi thành công tột đỉnh thường bị sụp đổ về tâm lý và đi vào sự cô đơn gần như tuyệt đối, như Thành Cát Tư Hãn, Nhậm Ngã Hành, Nhạc Bất Quần hay Tào Tháo. Con người khi cô đơn nhiều khi buộc phải tìm mọi cách để phá cái hạn chế về tinh thần và cái thân phận nhân sinh tuyệt khổ mà thượng đế áp đặt cho họ. Điều này đã được mô tả xuất sắc qua nhân vật Tạ Tốn với tiếng gào ‘Sư tử hống’ làm đau đớn, khủng khiếp, chấn động và chết lặng hồn người, y đã chửi vào cái bất công của thế gian bằng 3 chữ ‘lão tặc thiên’, và vì muốn trở thành ‘người’, y đã đặt hết hoàn toàn tình yêu truyền tính của mình vào con người Vô Kỵ, một thứ tình yêu vô cùng cao quý như là sự đạt được khát vọng của tự do vậy.

Con người sao mà dám tham vọng vượt quyền tạo hóa, sao mà dám tham vọng làm ‘Tề Thiên Đại Thánh’, sự trả giá cho tham vọng đó làm con người bị tẩu hỏa nhập ma, cô đơn, tự mình bỏ tù mình mà không có ngày mãn hạn, hay tự lấy núi ‘Ngũ Hành’ mà đè lên xác thịt và tâm hồn của mình. Âu Dương Phong, Đông Phương Bất Bại hay Nhạc Bất Quần là các ví dụ điển hình.

Sự am hiểu huyền vi của võ học (bí mật của thế giới) có thể thuộc về người thông minh, có thể thuộc về những người có vẻ đần độn, chậm chạp, có thể thuộc về những kẻ tàn ác hiểm độc, có thể thuộc về những ngụy quân tử, có thể thuộc về giới quần thoa… Để đạt được ngưỡng huyền vi đó, cần phải tĩnh và sâu (tâm thần không dao động), cần hiểu ý chứ không thuộc chiêu (chi tiết). Không phải ngẫu nhiên mà Kim Dung đặt tên cho một trong những người luyện thành công môn Cửu dương thần công là Giác Viễn. Trương Vô Kỵ hay Lệnh hồ Xung học kiếm ý chứ không học kiếm chiêu. Mỗi một chiêu của LHX một thế kiếm không có 'ngữ pháp', trùng trùng điệp điệp và liên miên bất tận, vì thế đối thủ không định vị được y sẽ tấn công vào chỗ nào mà phản kích.

Có tính chất tương đối/tác động tương hỗ giữa chính và tà, mà biên giới giữa chúng chỉ cách nhau có một ‘sát-na’: chính mà làm điều xấu thì là tà, tà mà làm điều tốt thì là chính, phải chăng các giới hạn hay sự phân biệt chính tà là do con người đặt ra phụ thuộc vào nhận thức hay lợi ích của một người hay nhiều người, con người đã lợi dụng chính nghĩa quá nhiều khi đả kích tà đạo, và trong một chừng mực nào đó, có thể bị làm một công cụ để dựng nên sự tranh giành quyền lực và tiêu diệt lẫn nhau. Hồng Thất Công (chính) và kẻ thù tri kỷ của y là Âu Dương Phong (tà) ôm nhau cười hả hả và chết cùng một lúc. Diệt Tuyệt sư thái đã nhân danh chính phái hiệu triệu 6 đại môn phái bao vây Quang Minh Đỉnh để tiêu diệt Ma giáo, ý niệm chính phái trong đầu bà ta đã đúng chưa, hay chỉ đơn thuần là tạo nên một sát nghiệp mà thực tế không đem lại lợi ích gì cho võ lâm đồng dạo nói riêng hay dân tộc nói chung, ngoài ra còn bị nhóm người Mông Cổ lợi dụng tình thế mà chút xíu nữa 6 đại môn phái đó đã bị hủy diệt.
Trong Đệ nhị thế chiến, Đức là phi nghĩa và các nước đối thủ là chính nghĩa; hay trong cuộc ‘Chiến tranh nha phiến’ thì Nhật là phi nghĩa và Trung Quốc là chính nghĩa…, tính chất chính nghĩa và phi nghĩa này của các nước đó liệu có tồn tại bền vững với thời gian không!

Tà đạo đôi khi tốt hơn chính đạo, tà có thể đẻ ra chính, và con người dù độc ác đến đâu vẫn tồn tại chút phật tính trong đó. Những người bạn tà giáo của Lệnh Hồ Xung, khi có hiệu lệnh của chàng và thánh nữ, đã có thiện tính hơn bọn chính phái giả danh như Nhạc Bất Quần, Giản Tiệp, Công Tôn Viễn như thế nào, hay những người trong Ma giáo đã trở nên chính nghĩa như thế nào khi biết yêu dân yêu nước mà đoàn kết hợp lực đuổi quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi. Hân Tố Tố (tà) yêu Trương Thúy Sơn (chính), hay chuyện Mục Niệm Từ đã một lòng một dạ yêu Dương Khang - một kẻ vô cùng tà đạo - lại đẻ ra một đứa con vô cùng chính đạo…

Không cần quan tâm đến cái mà người đời gọi một cách 'máy móc' là tà hay chính, vượt lên những thành kiến, phong tục tập quán, những luật lệ hay quy định hạn chế và có tính cách truyền thống của con người, Lão Đông Tà hay Dương Quá đã đạt được đỉnh cao của chân lý từ võ học đến tình yêu, nói một cách khác, họ đã vươn đến thiên tính tự do tự tại của con người, hay vươn đến bến bờ tự do của tư tưởng.


Phần 3: Tình yêu tính 
Triết lý của Kim Dung là một tập hợp có kết nối các tư tưởng của Lão Tử, Trang Tử, Phật, Hồi giáo, Kinh Dịch hay Thiền... Nói đến ông là nói đến nhân bản tính, lương tri tính, cô đơn tính, phá tính, lãng mạn tính, tự do tính, vô định tính, hư vô tính, tự nhiên tính và cuối cùng là tình yêu tính. 

Có phải cuộc đời sẽ dẫn đến cái vô định tính, với câu hỏi cuối cùng: ta là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Có phải cuộc đời này giống như một thế cờ 'Trân Lung' mà bất cứ một kỳ thủ tuyệt đỉnh nào cũng không giải được? Kim Dung đã và đang im lặng, một sự im lặng mang tính hư vô và đầy ý nghĩa vì bất cứ một sự trả lời nào cũng phá tan ý nghĩa của hai từ im lặng đó. 
Thật rất khó để nói ‘tính’ nào là cốt lõi trong cuộc đời. Một chọn lựa ‘tự nhiên tính’ hay ‘hư vô tính’ có lẽ là phù hợp, nhưng theo Nhà gom lá bàng, cốt lõi của cuộc đời hữu hạn này bao gồm trong tình yêu tính.

Người ta thường trố mắt thán phục sao mà Kim Dung có thể nghĩ ra nhiều chuyện như vậy, đủ thứ chuyện. Bằng cảm xúc của mình, ông đã thể hiện các triết lý của mình một cách tự nhiên không cố ý bằng cách thông qua các nhân vật đầy cá tính. Tâm lý nhân vật của ông rất đa dạng mà ta có thể tìm thấy ở đó một ví dụ cho một con người ở đời thường, trong đó những nhân vật được xây dựng phần nhiều đều có xu hướng tiến đến hư ảo hay hư vô tính, những kết cục của họ là vô định tính, và đặc biệt là những mối tình diễn ra đều là phiêu diêu tính.

Có một người hỏi một phụ nữ rằng ‘tại sao cô sinh con?’, trả lời ‘tại vì cha mẹ tôi sinh con, nên đến lượt tôi, tôi cũng sinh con’, một câu trả lời đơn giản nhưng lại thực tại trên cả ‘thiền’. Đúng, con người không loại trừ ai, đang tồn tại bằng tự nhiên tính mà là một thứ cứu cánh gần nhất và thực tế nhất để ngõ hầu đạt cái tự do tự tại trước mắt, mặc dù chân lý cuối cùng của con người là vô định tính mà đối với họ là quá xa xôi. Không ai khẳng định tuyệt đối rằng việc phám phá ra sự huyền vi của vũ trụ lại thuộc về những kẻ có học vấn, Thạch Phá Thiên (hay Vi Tiểu Bảo) là một minh họa: sự phát triển của các nhân vật - đi đôi với cơ duyên, là sự phát triển của tự nhiên tính mà dường như họ không bị gán ép phải tồn tại theo cách mà ta nghĩ.

Sự cảm nhận của hắn phát triển theo từng giai đọan, khi nhỏ hắn rất thích đọc các màn đánh đấm nhau, lớn hơn nữa, hắn muốn đọc nhưng đoạn kể về những nhất đại tông sư biểu diễn những môn võ công thượng thừa. Lớn hơn nữa, hắn muốn xem khí phách anh hùng cái thế của các nhân vật đó. Lớn hơn nữa, hắn tập trung vào tính triết lý đàng sau các các trận quyết chiến, các câu chuyện tranh giành quyền lực, thủ đoạn chính trị hay tình yêu.

Nhưng lớn hơn nữa, hắn càng thích đọc những chuyện tình cùng với việc mô tả những phong cảnh lãng mạn trữ tình dưới ánh trăng, trên du thuyền, ngoài hoang đảo, trong tuyệt cốc, trong núi tuyết, trên biển hay trên sa mạc trong truyện của Kim Dung. Hắn khám phá ra trong đó những bản tình ca vô cùng bi tráng mà trái tim hắn ngày ngày vẫn thường thổn thức.


Tà đạo vốn có sức mê hoặc hơn chính đạo, người ta nói sắc sắc không không, nhưng chính cái sắc mới có tính ‘người’ hơn bởi nếu ta bỏ cái sắc đi thì không còn khái niệm con người nữa. Nếu người đàn bà lúc nào cùng đoan trang, hiền thục hay quá mực thước mà không có chút ‘tà’ nào thì chắc không đáng yêu lắm, có mấy ai lại đi tìm một tình yêu nơi nữ tu! 

Tiểu Long Nữ cũng có giận hờn ghen tuông đấy, Vương Ngữ Yên cũng vô cùng si tình đấy. Yêu nữ Mông Cổ là Triệu Minh đã làm điên đảo lòng Đại hiệp Trương Vô Kỵ, yêu nữ Ma giáo là Hân Tố Tố đã làm vương vấn lòng Ngũ hiệp Trương Thúy Sơn, tương tự, yêu nữ Ma giáo là Doanh Doanh cũng đã làm say lòng kẻ anh hùng chính phái Lệnh Hồ Xung vậy.


Những Doanh Doanh, Triệu Minh hay A Tử đều có những chỗ rất đáng yêu. Không có đắng thì ngọt cũng có thể trở nên vô dụng, nhân loại này mấy ai mà không yêu vị đắng của cà phê, nếu không thì người ta sáng tạo ra nó để làm gì? Vả lại, làm gì có một mẫu người toàn diện toàn hảo đến liền với ta, thử hỏi ở đời có bao nhiêu nàng như Vương Ngữ Yên, Tiểu Siêu hay Tiểu Long Nữ, và thử hỏi chính ta đã toàn diện toàn hảo chưa, nếu người đẹp không có chút tà nào thì có thể làm đàn ông không thấy khó khăn và do đó mất cảm hứng chinh phục.


Chữ ‘chân, thiện, mỹ’ nên đặt vào một con người như Tiêu Phong, một kẻ thật sự xứng danh là anh hùng cái thế, một cái ngưỡng rất ‘người’ mà khó có ai có thể vượt qua ngưỡng ấy, một anh hùng mà khó có thể có ai anh hùng hơn, một tình yêu nhân loại cao cả mà khó có tình yêu nào cao cả hơn, và một con người nếu mà ta không yêu y thì có lẽ không còn ai để yêu nữa. Y đã yêu A Châu, không sở hữu cô ấy cho riêng mình và cũng không chiếm hữu cô ấy. Đặc biệt, tính cách cao cả và tình yêu con người của y hầu như bao gồm hết tinh túy của những cao cả và tình yêu mà nhân loại có thể có được. Không tồn tại sự phân biệt chủng tộc hay chúng sinh trong tâm hồn của y. Sự kết thúc của chàng để đạt được khát vọng của tự do đến nay vẫn chưa có bút mực nào có thể tả xiết.

Trương Vô Kỵ, một người không kỵ ai, một con người có khả năng hòa giải các thái cực khác nhau, một con người mà phải có tính vô kỵ đó mới hóa giải cho con dơi độc Vi Nhất Tiếu thành người, hóa giải được võ công siêu phàm của Độ Ách - Độ Nạn - Độ Kiếp, hay hóa giải được ‘Huyền Minh thần chưởng’ của Huyền Minh nhị lão. Y là một con người không quan tâm đến không thời gian, không màng đến hay anh hùng thiên hạ vô địch, giáo chủ Ma giáo hay Minh chủ võ lâm hay không đòi hỏi một tình yêu màu hồng và bất tử. Thế mà do cơ duyên, chàng đã có danh vọng, địa vị, trí tuệ và tình yêu. Việc chàng được phái nữ yêu quý và cuối cùng có được người đẹp Triệu Minh, được các người Ma giáo nói rằng chàng đã khéo vận dụng bí quyết 'Càn khôn đại na di' vào tình yêu! Nhưng rồi những sản phẩm dường như là ảo ảnh của cuộc đời đó sẽ đi về đâu, ‘Lưu như thủy hề, thệ như phong, bất tri hà xứ lưu hề, hà sở chung’, đúng, tất cả sẽ là vô định xứ, không có gì là không có gì.


Chu Bá Thông đã có một tình yêu, người đẹp của Đoàn Hoàng Gia đã yêu và ngoại tình với ông ta, bị phát hiện, ông ta bỏ trốn. Là một người mê võ công hơn mê gái, ông đã lang thang tìm hiểu, sáng tạo ‘Không minh quyền’, ‘Song thủ hỗ bác’ và học hỏi các loại võ công mới. Nhưng cuối cùng, với tình yêu không bao giờ tan và sự quyết tâm theo đuổi tình yêu của ‘người đẹp’, nàng đã chinh phục ông quay lại với tình yêu của mình, cặp tình nhân già này sau đó sống ẩn cư làm nghề nuôi ong và sống một cuộc đời an nhàn hạnh phúc.

Tía Sam Long Vương Đại Ỷ Ty - thiên hạ đệ nhất mỹ nhân thời đó - chưa hề có rung động với bất cứ một chàng trai nào. Có một lần, nàng thay mặt cha nuôi là Giáo chủ Ma giáo Dương Phá Thiên quyết chiến sinh tử với Hàn Thiên Diệp ở Bích Thủy Hàn Đàm, sau trận chiến đó anh ta bị thương nặng, đồng thời nàng do ngưỡng mộ tính hiếu nghĩa và dũng cảm không sợ chết của chàng mà phát sinh tình yêu. Vượt qua rào cản của giáo quy, Đại Ỷ Ty đã rời bỏ Ma giáo để đến với tình yêu của mình. Qua nhịp đập của trái tim, tình yêu là chất thuốc diệu kỳ mà nó có khả năng biến thù thành bạn hay hóa giải hận thù của hai phái đối lập. Chuyện đó bản chất có khác gì chuyện tình yêu của Romeo và Juliet.

Hồ Thanh Ngưu và Vương Nạn Cô yêu nhau tha thiết ở Hồ Điệp Cốc - một khu đầy ong bướm và thơ mộng, vì tính tự ái và háo thắng trong tình yêu, nàng đã chủ động thi thố với chàng về tài năng giữa ‘độc’ và ‘trị độc’, chiến đấu bất phân thắng bại với chồng mình và trong lúc bị trúng kịch độc, cả hai mới phát hiện tình yêu họ là cực đỉnh. Nhưng ngay sau đó, kẻ thù của hai người là Kim Hoa bà bà đến tầm thù rửa hận và Trương Vô Kỵ đã mưu trí cứu hai người. Tưởng rằng hai người đã thoát nạn, không ngờ mấy ngày sau đi ngang một khu rừng, Vô Kỵ phát hiện ra hai người đã bị bà ta đuổi theo giết chết, mối tình của họ đã không được trọn vẹn và sau đó hai người được chôn cùng một nấm mồ.

Nói đến Đoàn Dự là không phải nói đến ‘Lục mạch thần kiếm’, chàng đã bao nhiêu lần từ chối và trốn đi không chịu học võ mà say mê tìm đến chân lý của đạo Phật, hơn nữa, bản chất của chàng là chỉ biết yêu và yêu mà thôi. Do cơ duyên đưa đẩy, vì bị Cưu Ma Trí bắt cóc để ép bức chàng đọc lại bí kiếp đó mà chàng được gặp Vương Ngữ Yên. Lúc đó nàng một lòng một dạ yêu Mộ Dung Phục, nhưng với tình yêu vô cùng say đắm và hy sinh vô bờ bến của Đoàn Dự và với sự ruồng bỏ tình yêu của Mộ Dung Phục, cuối cùng Lục mạch thần kiếm và việc tôn thờ thần tình yêu của chàng đã hội tụ vào người đẹp Vương Ngữ Yên mà chính tình yêu đó đã làm chàng trở nên bất tử.

Nam mấy ai mà không mê thần tượng Dương Quá, nữ mấy ai mà không mê thần tượng Tiểu Long Nữ. Do số phận đưa đẩy mà Quá nhi, một kẻ mồ côi cha mẹ, vô gia cư, bị các sư phụ hành hạ, ruồng bỏ và đuổi giết đến tận Cổ Mộ. Tại đây, cậu bé gặp Tiểu Long Nữ cũng mồ côi cha mẹ, người ngọc khiết băng thanh, là một người con gái trong trắng thùy mỵ như một đóa hoa, vì suốt đời sống dưới Cổ Mộ mà tính tình của nàng đã tự nhiên được thấm nhập triết lý vô sầu khổ. Trời sinh ra nam nữ, hai con rồng phượng đó đã yêu nhau và vượt qua rất nhiều gian khổ vì sự giới hạn của đạo lý, vượt qua truyền thống lễ giáo hay bệnh tật thập tử nhất sinh và cuối cùng đã được sống với nhau và trở thành đôi ‘Thần điêu hiệp lữ, tuyệt tích giang hồ’. Mối tình chung thủy, độc đáo và thần tiên của Quá Nhi và Long cô cô đã thành nỗi thổn thức của bao nhiêu nhà thơ, nhà văn, nhà đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, họa sĩ và rất nhiều người ở nước ta và trên thế giới, kể cả hàng triệu Việt kiều ở hải ngọai.

Nhiều người biết rõ thiên tình sử giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung, thậm chí còn làm thơ về họ nữa. Quách Tĩnh là người trung thực và nghĩa khí (thường xuyên bênh vực kẻ yếu), bảo vệ thành Tương Dương, là bạn vô cùng thân thiết với người Mông Cổ, không muốn người Mông Cổ xâm lấn đất đai của người Tống, và lại càng không muốn có cuộc chiến tranh của 2 dân tộc ‘Tống - Mông’ nên chàng đã lẳng lặng rời khỏi Thành Cát Tư Hãn. Hoàng Dung theo truyền thuyết là người phụ nữ rất xinh đẹp, đặc biệt là thông minh nhất thế gian. Nàng là là con gái của Hoàng Dược Sư và người yêu của Quách Tĩnh. Được Nhất Đăng đại sư đánh giá là cặp rồng - phụng của loài người, hai người rất yêu và hợp với nhau, đã cùng đoàn kết các anh hùng hảo hán thiên hạ chống quân Mông Cổ ở thành Tương Dương.

Các tín đồ của tửu thần mấy ai mà không mê thần tượng Lệnh Hồ Xung hay các tài nữ mấy ai mà không mê thần tượng Doanh Doanh. Vượt qua giới hạn của chính tà, của các âm mưu hiểm độc mà hai bên là Ma giáo và Ngũ nhạc kiếm phái cộng với một số môn phái khác đã tạo ra, vượt qua sự khác biệt về đẳng cấp, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, với tính tình sảng khoái, khoáng đạt, có tình có nghĩa và tiếu ngạo của chàng cộng với sự thông minh, mưu trí và tình yêu hy sinh toàn tâm toàn ý của nàng, hai người đã có một tình yêu không thể nào đẹp hơn - một tình yêu lấy tiếu ngạo giang hồ làm nền tảng và cũng chính nhạc khúc này là nơi mà Tình yêu của hai người sẽ hội nhập trong một cuộc sống không màng danh lợi.


Phần 4: Tình yêu và hư vô!
Tại sao con người sinh ra thường phải chịu số phận bị ruồng bỏ, sĩ nhục, chà đạp, chèn ép, hiểu lầm, buộc tội, oan sai, mồ côi, mặc cảm, tha hóa, cô đơn, tuyệt vọng, hãi hùng, đau khổ, bệnh tật nan y, tăm tối hay lưu vong, đâu là bến bờ tự do của con người, khi nào ta có được tâm hồn như trẻ thơ vui đùa bên những dòng suối nhỏ, phải chăng tất cả các khát vọng đều là ảo ảnh?

Tại sao khi ta sống với con người lại phải đeo một cái mặt nạ ‘bằng mặt không bằng lòng’, có phải con người phải sống nơi Đào Hoa đảo, Băng Hỏa đảo hay Linh Xà đảo, Cổ Mộ, Tuyệt Tình Cốc, trong phòng vắng hay chết đi mới đạt được sự tự do?

Tại sao con người không thể ‘buông dao đồ tể mà trở về với cửa Phật’? Tiếng khóc trẻ thơ đã thức tỉnh con người đại ma đầu như Tạ Tốn, Diệp Nhị Nương hay Lý Mạc Sầu quay trở về với thiện tính của con người, vậy tiếng khóc nào làm cho ta có thể từ bỏ lòng nung nấu căm thù hay lòng tham vọng điên cuồng? 

Có phải có cái tiền kiếp nọ mới có cái kiếp này? Không có Dư Đại Nham xuống núi thì sao có anh hùng thiên hạ vô địch Trương Vô Kỵ với chức Giáo chủ Ma giáo, rồi Minh chủ võ lâm? Không có Hoàng Nhan Hồng Liệt thì sao có Thần điêu đại hiệp Dương Quá múa 'Song kiếm hợp bích' với Tiểu Long Nữ và sao có môn võ công đau khổ gọi là ‘Ám nhiên tiêu hồn chưởng’? Phải chăng mọi việc trên đời đều có tính trùng trùng duyên khởi? Và phải chăng những điều Hồ Thích nói về 'xã hội bất hủ' không nằm ngoài phạm trù này?

Có phải thế giới này tự nhiên nhiên nhiên đến nỗi ta không muốn làm anh hùng cũng bị bắt phải làm anh hùng, ta không muốn nghèo vẫn bị bắt phải nghèo, ta không muốn làm vua cũng bị bắt phải làm vua, ta không muốn làm ăn mày cũng bị bắt phải làm ăn mày, ta không muốn có người đẹp thì bắt phải có người đẹp, hay khi mà ta muốn có người đẹp thì chờ đợi mãi chả có bóng hồng nào?

Có phải con người, khi chiêm nghiệm đủ ý nghĩa của cuộc đời, thường mơ một giấc mộng yên bình, mơ một cuộc sống bình thường không lo lắng như Trịnh Công Sơn muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà hay như Tiêu Phong và A Châu muốn trở về bộ lạc để nuôi dê và hưởng một cuộc sống êm ả thanh bình suốt đời?

Có phải ánh trăng lững lờ, mặt hồ man mác, lá rụng mùa thu, mái chèo nhặt khoan, tiếng đàn êm dịu, tiếng sóng vỗ đại ngàn, rừng hoang gió thổi xạc xào lá, những ngọn núi khói sương bàng bạc, những khoảnh khắc tỉnh mộng trong đêm, dõi nhìn những hàng cây trùng trùng điệp điệp, lắng hồn trong khúc ‘phụng cầu kỳ hoàng’, ngồi bên thềm lặng nghe giọt nắng, thảng thốt dưới ánh chiều tà, hay ngồi ở quán bên sông và chìm vào đáy mắt hồ thu của mỹ nhân…, mới đưa tâm hồn ta trở lại sự tĩnh lặng và do đó ta đạt được ngộ tính của tình yêu?

Và rồi, các mối tình của... họ đều rất lãng mạn và xa rời tính phù phiếm của thế tục thường tình. Vô Kỵ sẵn sàng từ bỏ vinh quang tột đỉnh để về ‘vẽ lông mày cho ái thê’, Lệnh Hồ Xung sẵn sàng rửa tay gác kiếm để cùng sánh vai với Doanh Doanh hát khúc ‘Tiếu ngạo giang hồ’, Đoàn Dự sẵn sàng từ bỏ cung vàng điện ngọc để tìm đến ‘Thần tiên tỉ tỉ’ Vương Ngữ Yên, Dương Quá và Tiểu Long Nữ sẵn sàng bỏ mặc tất cả những phù phiếm nhân gian, về nơi ‘Cổ Mộ’ để ẩn mình trong vũ điệu tuyệt vời của tình khúc âm dương...

Ta sống ở đời này làm gì nếu không có tình yêu. Không đúng hẳn khi Pasteur đã nói con người khác động vật là ở chỗ biết tư duy. Theo Nhà gom lá bàng, con người khác động vật là ở chỗ có tình yêu mà chính thượng đế phải nể phục và nghiêng mình trước sự kỳ diệu của tình yêu mà con người đã thể hiện (bởi lẽ ngài cũng không thể hiểu được tình yêu đó). Con người chứ không ai khác đã tự sản sinh ra tình yêu sau khi ăn trái cấm, mà thượng đế chỉ ban tặng cho họ không gì khác là hai xác thịt chứa đầy rẫy những tình dục, cô đơn và đau khổ. Chính tình yêu làm cho con người vượt qua giới hạn của chính - tà, vượt qua nỗi cô đơn, nhẹ đi đau khổ và đặc biệt tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô.

Và hỡi các bạn, hãy kiểm tra lại xem, có mấy ai viết mà không có tình yêu trong đó. Ai đã tuyên bố ‘hỡi thế gian tình là gì, mà đôi lứa thề nguyền sống chết’ hay ‘thiên thu vạn tải khổ cũng yêu’, 'yêu' và 'chết vì yêu' có thể đồng nhất hay không đồng nhất đối với từng cá thể, nhưng tình yêu không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là khát vọng sống và khát vọng tự do. Tình yêu là bản chất của cuộc sống, là cứu cánh và là mẫu số chung cho tất cả mọi người mà bất chấp sự vận hành vô tình của vũ trụ đại ngàn, con người chỉ có thể bất tử trong tình yêu và nếu không có tình yêu, loài người sẽ không có khái niệm hạnh phúc và sẽ không tồn tại.


Ta hát cho chiều - tiếng vĩ cầm xưa vọng lại
Ta gửi cho chiều - những khắc khoải chờ mong
Ta tặng cho chiều - mối tình còn lắng đọng
Ta viết cho chiều - nắng ấm rụng trong tim

NGLB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét