Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Tính xấu của người Việt

LTS: Bài này tôi viết hết 5 lần, trong 1 tháng (từ ngày 12/11 đến 12/12/2014), dĩ nhiên, do 'cảm hứng' nhiều lần, nên cấu trúc của các bài viết (phần 1-5) không hoàn toàn giống nhau, nhưng điều quan trọng là những bài viết này được ghi nhận từ các chuyến đi xuyên Việt của tôi - với cả ngàn tư liệu 'sống', và điều quan trọng nhất trong các bài viết là các triết lý/suy nghiệm đa chiều (rồi tiến về... không chiều, hihi...), chứ không phải là các suy nghĩ cá nhân có liên quan đến chính trị hay tôn giáo... Trân trọng.
-------- 
Bái Đính chiều nay sương tới trời
Lữ khách u buồn, núi chơi vơi
Hãy cho ta với tâm hồn thoáng
Lỡ chốn trần gian, nặng thói đời


PHẦN 1
Thư gửi anh bạn già


Trong các bài trước, tôi đã viết tiêu đề này kèm theo chữ ‘hihi’… và nói là ‘để làm lành!’, nhưng tại sao tôi phải viết vậy, viết là viết. Tôi không nhất thiết phải nói là trong quá khứ người ta không dám viết về tính xấu của người Việt, mà ngay trong tuần này, tôi thấy... 99% số người trong bàn nhậu đều chém gió ôm sồm là người Việt xấu chỗ này, xấu chỗ kia (trừ mình!), nhưng chả có ai (dám) viết ra; và 99% trong số các entry cũng không đề cập đến việc này (trừ blog saumietvuon... mà tôi sẽ tham khảo dưới đây), có lẽ vì họ không quan tâm, ngại bị ném đá, nhưng nếu có thì họ cũng chỉ nói… sơ sơ thôi!
Tóm lại, bài này tôi sẽ nói, bằng cách ghi nhận một số ý từ bài 'Rửa sạch quá khứ' (NGLB), 'Tự trào dân tộc' (saumietvuon), 'Việt Nam - Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan' (Thanh Niên online), và từ khẩu hiệu dân quyền: 'khai dân khí, chấn dân trí, hậu dân sinh' (Phan Chu Trinh), trong đó, tôi sẽ đưa ra các ví dụ điển hình và ấn tượng nhất (đối với tôi), đặc biệt là khái niệm 'dân khí' và 'hào khí Đông A'...

Ngàn lần xin lỗi anh!
Tôi nghe nói ông Trương Vĩnh Ký do bất mãn chuyện thời cuộc (triều Nguyễn thối nát/bảo thủ) nên có viết vài câu về ‘tính xấu của người Việt’ gì gì đó (!). Tôi có đọc được một đoạn của ông Phan Bội Châu viết về điều này, nhưng cũng trên dưới 5 cái gạch đầu dòng, cũng có đọc bài của ông Đặng Lê Nguyên Vũ hay Trần Ngọc Thêm... nói về tính ‘thái âm’ của người Việt, nhưng lại ‘vuốt ve’ nhiều hơn (ông Thêm).
Điều bực mình là, nếu nay có ai mới vừa mở miệng ra nói quan điểm (point) trên của mình thì thường/liền bị ai đó chặn lại, với câu:
-Xưa rồi, ông Trương Vĩnh Ký có nói rồi. (!!!)
Ôi, nếu Kinh Dịch, phép biện chứng, quy luật mâu thuẫn, triết lý giáo dục, thơ Đường luật/lục bát, nhạc… mà đều nói là ông Khổng Tử, Marx, Mao, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Beethoven, Phạm Duy… nói hết rồi;
Ôi, nếu cứ ngụy biện cho tính xấu của người Việt theo kiểu:
-Chế độ cũ đâu có vậy! (hay) Tại bây giờ nó mới ra thế!,
thì nền tri thức của nhân loại này sẽ bị đứng lại và sụp đổ trong vòng một nốt nhạc!
…Và như vậy thì còn khuya mới thoát Trung! Tôi cũng xin nhắc lại, thoát Trung (thoát Tàu, thoát Hán) là ‘hành động’ một cách độc lập/tự chủ đối với họthoát khỏi sự ngự trị của 'quyền lực mềm' của họ, chứ không phải là phủ định họ như kiểu ‘tôi hay anh, một trong hai đứa phải lên sao Hỏa’!, hiểu nôm na là tôi muốn chơi với ai thì chơi, không mắc mớ gì tới anh; rộng hơn, ta muốn ‘chơi’ với Mỹ hay Nhật… như thế nào là tùy ta.

Còn nếu ‘chơi’ mà bị phụ thuộc, thì chúng tôi sẽ nói rằng:
-Sorry one thousand times. (= ngàn lần xin lỗi anh!)
Ngoài ra, ông Trương Vĩnh Ký có nói là ‘ở với họ mà không theo họ’ (sic vos non vobis), còn tôi nói là chơi với Mỹ hay Tàu… không có nghĩa là theo Mỹ hay theo Tàu: 
-Dân Việt này không theo ai cả!

Tính xấu của người Việt  
Ngoài những tính tốt (cởi mở, thân thiện, dễ kết bạn, hiếu học, nhẫn nhục/'dĩ hòa vi quý'...), người Việt có những tính xấu cơ bản nào?, theo tôi, đó là:
1. Tính hoang dã, như: thích tụ tập/chen lấn/xô đẩy, 'vì mình'/chiếm của 'công' làm của 'tư', chia rẽ/bè phái, nịnh bợ, nói dối/trộm cắp vặt, sao chép/bắt chước, háo danh, đại ngôn ('chém gió', 'nổ', 'chảnh')...
2. Tính 'dìm hàng', như: thấy người khác thất bại thì hạnh phúc!, thường chú ý moi móc sai lầm (hoặc cố ý hiểu theo nghĩa xấu) của người khác, chủ quan/háo thắng - cho mình là hay, là đúng, mà có thể cho rằng ai khác ý của mình là thế lực thù địch...
3. Tính dễ phong 'thánh'/hào quang hóa quá khứ, như: rất dễ hô 'muôn năm', và rất dễ phong các nhân vật nổi tiếng (Victor Hugo, Tôn Dật Tiên, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Thị Sáu...) là thánh, đặc biệt là sùng ngoại mà có thể dẫn đến nô lệ hay phụ thuộc (vào Pháp, Mỹ, Nga, Tàu)...
4. Tính tự phong thánh, như: 'tôi hay, tôi tài, tôi giỏi, tôi tốt', 'tôi là thánh bút', thơ/văn, quan điểm, entry/blog... của tôi là nhất, 'tôi hiểu biện chứng nhất', thích 'lên lớp'/'giảng đạo'... (trích từ bài ‘Rửa sạch quá khứ’ - NGLB)

Tôi cũng xin ghi nhận ý kiến của ông Phan Bội Châu về 'tính xấu của người Việt' để bạn đọc tham khảo (blog saumietvuon):
1. Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.
2. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bê những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.
3. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba.
4. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư.
5. Biết có thân mình, nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. 

Thống kê những tính... tốt của người Việt và kết quả
Tôi có đọc qua các bài viết ở trên và tạm ‘gom’ lại như sau (theo thứ tự a, b, c):
  1. anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang (PNVN)
  2. các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành (vì tiền...!) 
  3. chửi hay (hơn hát)
  4. có 4000 năm văn hiến/có bề dày văn hiến lâu đời/giàu truyền thống, giàu văn hóa/có một nền di sản độc đáo
  5. có đôi mắt siêu hạng (vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung...!)
  6. dũng cảm, anh hùng, đi đầu (diệt Mỹ)
  7. đế quốc Mỹ như bầy dơi chập choạng dưới chân người
  8. giàu tài nguyên/rừng vàng biển bạc
  9. hiếu học
  10. hiếu khách, cởi mở, thân thiện, dễ kết bạn  
  11. là lương tâm của thời đại
  12. là một dân tộc anh hùng đánh thắng cả 3 đế quốc đầu sỏ
  13. lãnh đạo sáng suốt và tài tình
  14. nhẫn nhục/'dĩ hòa vi quý'/’nói sự thật, sợ mất lòng’
  15. thật thà, thẳng thắn (thường thiệt thòi!)
  16. thông minh, cần cù, dũng cảm
  17. tôi mơ ước một đêm thức dậy trở thành người VN
  18. tôn sùng những giá trị (ảo, ‘những điều xa hoa vô ích’ - Phan Bội Châu)...
Dĩ nhiên là trong số những điều trên, có điều đúng, nhiều hay ít, tùy vào không-thời gian. Nhưng với những tính... quá tốt trên, thượng đế cũng phải tôn người Việt là… thượng đế, nên ngài đã… ban cho VN những chỉ số sau đây (nguồn: bên dưới):
-Lợi thế: Dân số: hơn 93 triệu người, đứng hàng thứ 13/243 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới; Diện tích: khoảng 331.210 km2, đứng hàng thứ 61/189 quốc gia trên thế giới; Duyên Hải: đứng hàng thứ 33/154 quốc gia có bề dài duyên hải dài nhất thế giới với chiều dài duyên hải 3.444 km; Đất canh tác: có tổng số đất canh tác là 30.000 km2, đứng hàng 32/236 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới; Rừng cây: có tổng số diện tích rừng đứng hàng 45/192 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới với tổng diện tích rừng là 123.000 km2...
-Kết quả: Bằng sáng chế: Theo International Property Rights Index, Việt Nam đứng hàng 108/130 (quốc gia/lãnh thổ trên thế giới) tính theo giá trị trí tuệ; Giáo dục: Theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187 (Không có một trường đại học nào của Việt Nam được lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có chất lượng (quốc tế); Ô nhiễm: Theo chỉ số ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124; Phát triển xã hội: Theo chỉ số chất lưọng sống (Quality of Life) thì Việt Nam có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76 (có nghĩa là gần chót bảng); Tham nhũng: Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177; Thu nhập tính theo đầu người (GDP khoảng 1300usd/người/năm - theo Nguyễn Trung): đứng hàng 123/182; Tự do ngôn luận: Theo chỉ số tự do ngôn luận (freedom of press), Việt Nam đứng vị trí 174/180; Y tế: Theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160/190...

Thư gửi anh bạn già

Tôi không thể nói ấn tượng nào là… nhất, nhưng bức thư dưới đây là tổng hợp của những mẩu chuyện có thật 100%, các bạn chịu khó đọc nhé:
Kính gửi anh Cục,
Anh à, em rất nhiều lần định rủ anh đến một quán cà phê tĩnh lặng nhưng đủ lịch sự để trao đổi với anh một số quan điểm, nhưng hình như em không bao giờ nhìn thấy ở anh cơ hội đó, chắc là anh chỉ lo suy nghĩ về bản thân anh mà không bao giờ quan tâm đến tâm sự của một thằng em mà anh cho là cấp dưới (!).
…Trước tiên, khi nói chuyện với nhau, chúng ta hãy xác lập quan điểm tổng thể, vì nếu em mới vừa mở miệng ra mà anh lấy cái chi tiết vụn vặt không có nền tảng hay là triết lý vụn của anh để hành hạ, để ‘xoay’ hay ‘xoáy’ em thì cho dù chúng ta có nói chuyện 10 năm nữa cũng không đạt kết quả gì và do đó anh cũng chỉ mang được những thành kiến ‘thiển cận’ của anh xuống nấm mồ một cách vô ích mà thôi.
...Anh không thể, là xếp, xem cái 'nồi cơm' đó là của riêng anh mà mỗi lần duyệt chi cái gì cho cấp dưới thì anh cũng hành hạ họ như là kẻ nô lệ hay làm cho họ phải bực tức buồn khổ, rồi lúc đó anh mới hài lòng hả dạ và rên lên sung sướng mà ký duyệt.
…Khi anh về hưu, anh nghếch dài cái mõm của anh ngóng ra ngoài cửa mà chờ ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ…, chả có cấp dưới nào thèm gọi điện cho anh vì họ không nhớ anh, mà nếu có nhớ thì họ chỉ nhớ về một thằng già vô tình vô nghĩa, ích kỷ, keo kiệt, nhỏ mọn, tự cao tự đại, độc tài và quan cách.
…Chi tiết hơn, chắc khi đụng đến tiền bạc thì anh đa nghi như Tào Tháo là cấp dưới có lừa anh không, có kê thêm bớt cái gì không, có ăn bớt hay ăn xén không. Tất nhiên ở đời phổ biến là như vậy, ai mà không muốn có tiền. Nhưng nếu anh nghĩ vậy thì vô tình, thứ nhất là anh đã suy bụng ta ra bụng người, vì anh có đầu óc tham tiền nên anh nghĩ là ai cũng tham tiền như anh; thứ hai là anh có một sự nhầm lẫn vô cùng tai hại anh ạ, anh đã sĩ nhục người khác, không phải ai ở trên đời này cũng thích tham nhũng/hối lộ mà nghĩ ra trăm mưu ngàn kế để ăn cắp tiền của nhà nước đâu anh ạ, anh nên nhớ rằng có không ít người làm việc vì quan tâm đến thân phận của hàng triệu người dân nghèo khổ và sự tiến bộ của xã hội. 
...Có thể anh có tham nhũng hay không có tham nhũng, nhưng anh chớ nghĩ ai là cấp dưới của anh cũng rình rập để tham nhũng. Anh đã sai lầm lớn, anh chớ vơ đũa cả nắm, rất nhiều người cho tham nhũng là hiển nhiên, nhưng cũng có không ít người cho tham nhũng là tự hạ thấp giá trị, nhân cách và lòng tự trọng của con người, đặc biệt là tự làm nhục chính bản thân mình…
Anh bây giờ già đanh cú đế rồi, mới có một cái nhà chả ra hồn, đó là trời thưởng ‘xứng đáng cho cái tài năng’ của anh, mới có như thế mà cái mặt anh nghếch lên tới trời rồi. Thật là may mắn cho dân công ty chúng em, nếu mà trời cho anh vài cái nhà 4-5 tầng ở mặt tiền, đi xe ô-tô Camry láng coóng, tài khoản thì ở ngân hàng Thụy Sĩ, với cái tính của anh, chắc bây giờ đi đâu anh cũng ba hoa xích thố và coi mọi người không bằng nửa con mắt rồi.
Anh luôn luôn nói rằng ‘tôi nói là phải đúng’, xin lỗi, phải nói là anh mắc bệnh vĩ cuồng mới đúng, vì anh không có đủ óc để biết rằng ‘cái mà anh nói là anh biết là anh chả biết được bao nhiêu, còn người nói không biết mới là người biết, vì chỉ có người biết mới biết những gì mà mình không biết’. Còn nữa, anh nói anh là ‘số một’, cái gì anh cũng biết hết, cũng giỏi hết, xin lỗi, cái ngữ anh ‘rặn’ 7 ngày chưa chắc ra được một trang, anh thử nhờ ai mở cho anh một cái blog rồi anh cho cái entry với mấy dòng ‘cứt ỉa bón’, thiển cận và vô nghĩa của anh vào đó thì có ‘ma’ sẽ đọc cái entry đó của anh đấy!
Cuối cùng, thay mặt các bạn trẻ, em xin chúc anh mạnh khỏe, nhưng thú thật em không chúc anh sống lâu. Thế hệ trẻ đã học được tính khiêm tốn, tiết kiệm, ‘làm việc vì chúng ta chứ không phải là vì tôi’, đã học được kỹ năng ‘hội nhập’..., nên em không muốn cái ‘tôi’ thiển cận của anh đè lên hết tất cả cái khát vọng sáng tạo của các bạn đó...
Một lần nữa, em xin cám ơn anh Cục…
Trân trọng.

Tại sao tôi nói là ‘tổng hợp’, vì người này là đại diện tiêu biểu nhất và 'thực tế' nhất cho phần nào của cái được gọi là ‘tính xấu Việt’ cho 'lý thuyết' ở trên (theo thứ tự a, b, c):
  1. ba hoa xích thố/chả biết được bao nhiêu
  2. chỉ lo suy nghĩ về bản thân mình
  3. độc tài. quan cách
  4. ích kỷ, keo kiệt, nhỏ mọn
  5. lấy cái chi tiết vụn vặt không có nền tảng hay là triết lý vụn của mình để hành hạ, để ‘xoay’ hay ‘xoáy’ người khác/lấy cái ‘tôi’ thiển cận của anh đè lên hết tất cả cái khát vọng sáng tạo của các bạn trẻ
  6. mắc bệnh vĩ cuồng/tự cao tự đại/cho tôi nói là phải đúng/tôi là ‘số một’, cái      gì tôi cũng biết hết, cũng giỏi hết/mặt nghếch lên tới trời/coi mọi người không bằng nửa con mắt
  7. nghĩ ra trăm mưu ngàn kế để ăn cắp tiền của nhà nước/xem cái 'nồi cơm' chung là của riêng mình…
  8. suy bụng ta ra bụng người
  9. vơ đũa cả nắm
  10. tự làm nhục chính bản thân mình (lòng tham)...
Nam mô a di thò phò, thiện tai, thiện tai…

Tung mình, say đắm cười nhân thế
Tôi ‘bay’ hoài thì cũng phải hạ dần độ cao để kết thúc bài viết. Đến đây, ắt sẽ có người hỏi là ‘anh viết để làm gì?’, ‘anh có làm được không?’, ‘làm như thế nào?’, tôi xin trả lời tổng hợp vậy:

Tôi mơ ước người Việt hãy có khí phách ‘ta là ta’ - không theo ‘Khựa’, đừng có làm trò Câu Tiễn nếm phân Ngô Phù Sai, cái trò Hàn Tín luồn trôn gã bán thịt heo, hay cái trò Vi Tiểu Bảo lấy hết mỹ nhân của thiên hạ… để rồi đứng trên đầu thiên hạ (lưu ý rằng họ làm thế vì ở trong mỗi trường hợp lịch sử vô cùng đặc biệt, chứ hoàn toàn không phổ quát, vì cách xử lý của con người ở thời đại @/thời đại dân chủ thì có khác, rất khác).
Tôi mơ ước người Việt biết nói xin lỗi khi mình sai hay lầm, ví dụ: ‘Tui đã vào Google kiểm tra lại đúng là của cụ Phan Bội Châu, vì lâu quá tui nhầm là của cụ Phan Chu Trinh, thật xin lỗi’ (saumietvuon).
Tôi mơ ước người Việt hãy có cái tâm học hỏi người khác, biết tự cải thiện bản thân mình (chứ không phải chém gió về ‘cải tạo thế giới’, ví dụ: ‘Không có gì đâu, bạn Sáu à, mình lại thấy vui là khác, chúng ta không thể biết hết mọi chuyện thời nhà... Tần, chúng ta nên 'cải thiện bản thân' mà trước tiên là chiêu đãi cụ Google một cử cà phê, hihi... anh Sáu chịu không?’ (trả lời, NGLB).
Tôi mơ ước người Việt hãy có ‘hào khí Đông A’ bằng cách luôn nhớ lại Hội nghị Diên Hồng với khẩu hiệu ‘Sát Thát’, hay Nguyễn Huệ với câu ‘Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ’…
Nhưng tôi có viết một bài ‘Không bao giờ có… chân lý’, tôi không nghĩ là tôi nói sai, mà ít  nhất có một bạn (cô gái Nhật) đã đồng cảm với tôi ‘Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt - Khó lắm! Thật vậy sao?’ ('Việt Nam - Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan', Thanh Niên online).

Tôi biết nói làm sao, thôi, tôi trích ra một lời bình từ bên dưới vậy:
-Trùi ui, bạn Sáu có làm... xếp bao giờ chưa mà.... nhột, hihi..., mấy thằng xếp bây giờ hư lắm, cách đây 30-40 năm, cứ gặp đối tác thì hỏi 'thủ tục đầu tiên?' (= tiền đâu?), còn 30 năm đổ lại đây thì nói thẳng 'có mang tiền theo không?', nhưng hắn cũng không đủ tư cách để lên lớp giới trí thức ngày nay, nên hắn làm một cú moral: ‘Tôi có một kinh nghiệm, đó là đừng có tình cảm dây dưa lôi thôi, mà nên 'ăn bánh trả tiền' là tốt nhất’. Dĩ nhiên là hắn 'ăn bánh trả tiền' thì có cấp dưới trả rồi, dại gì mà không 'ăn'. Ha..ha..ha…
Tôi biết kết luận làm sao, thôi, tôi trích ra một bài thơ ngắn vậy:

Hát hò, thỏa chí vơi sầu khổ
Cười đùa, quên mất cả hư vô
Tung mình, say đắm cười nhân thế
Ngã người, rạo rực bế tiên cô

Tiên cô là ai, có trời biết, đất biết và...  tôi biết, bạn có biết không? 


PHẦN 2
Theo ai?
Trong phần I - viết rồi những chưa hết chuyện!, tôi đã nói là: 'Dân Việt này không theo ai cả!'Và trong bài này, tôi có bổ sung thêm một số ý, nhưng trọng tâm vẫn là tư vấn cho ai đó là ta nên ‘theo ai?’, hihi…

‘Người khôn luôn nghi ngờ’
Tôi đã nói rằng tôi có đọc sơ qua một số tư liệu từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đặng Lê Nguyên Vũ, Trần Ngọc Thêm, (Thư của) ‘Cô gái Nhật’, nhưng tôi mới xem thêm của Trần Đĩnh, Nguyễn Trung, Trần Hùng John, Saumietvuon, thậm chí là từ Socrate, Charles Bukowski… Tôi xin bổ sung để bạn đọc tham khảo:
  1. Nếu người thợ giày mà sản xuất ra một đôi giày tồi thì sẽ có một người đi đôi giày tồi, nhưng nếu một đất nước mà sản xuất ra một nền giáo dục tồi thì sẽ có một dân tộc tồi (Socrate)
  2. The problem with the world is that the intelligent people are full of doubts while the stupid ones are full of confidence. (Vấn nạn của nhân loại là người thông minh luôn nghi ngờ trong khi kẻ ngu ngốc lại luôn tin tưởng, Charles Bukowski)
  3. Nước Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường… trong khoảng vài mươi năm nay... đám sĩ phu thì ganh đua vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì… Nhân dân nước Nam bây giờ ngu xuẩn như trâu, như ngựa, tha hồ cho người ràng trói, cho người đánh đập, có miệng mà không dám kêu, gần chết mà không dám than thở. (Phan Chu Trinh)
  4. Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Nhưng, thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày. Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; Người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy birth đã không phải chết yểu đau đớn; Người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; Người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; Người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa. Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, buôn lậu dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi? ('Việt Nam - Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan', Thanh Niên online)
  5. Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.’ (Trần Hùng John) 
  6. Tôi nói dân ta hèn là vì như thế này: dân ta anh hùng nhưng sợ từ anh tổ trưởng sợ đi, sợ anh công an, sợ các thứ. Tôi cũng cảm thấy chính mình cũng hèn. Mình sợ nhiều thứ quá. Đấy là một tâm lý rất Việt. Bom đạn không sợ nhưng rất sợ quyền lực. Chính điều đó đẻ ra việc chúng ta khó có dân chủ là vì dân trí thấp. Chúng ta đinh ninh rằng chúng ta anh hùng trước mặt ‘kẻ thù’ nhưng đụng đến chính quyền, đến nhà nước là ta im re hết. Tôi gọi hèn là vì vậy. Tại sao tôi khóc vì tôi cảm giác nhân dân như bố mẹ mình mà mình nói xúc phạm như vậy là mình có lỗi với bố mẹ mình. Bây giờ dần trưởng thành rồi mình cảm thấy không phải như vậy nữa. (Trần Đĩnh)
  7. Một trong những cái ngu dốt lớn nhất của chúng ta là chưa thấy hết được cái ngu dốt của chính mình. (Nguyễn Trung)
  8. Rõ ràng những lời khen luôn có tác dụng tốt với 2 lỗ tai nhưng dân ta đã quá hoang tưởng bởi những lời khen được gắn tên lửa như “Sau một đêm tôi muốn mình trở thành người Việt Nam…” hay những bài học tự tôn dân tộc quá đáng đã làm cho người Việt ta thiếu tính cầu thị trước những góp ý mang tính xây dựng. (blog saumietvuon)
  9. ...Ta, bốn nghìn năm, nếu quả đúng bốn nghìn năm, thì là cái hũ nhỏ hơn một chút, thối hơn một chút, chứa một chút tương Trung Quốc, một chút cái gì đó của ta, của Tây, thành thứ hổ lốn mà suốt ngày hôm nay tôi cố tìm tên gọi mãi chưa được. Ta cứ tạm gọi là hũ mắm tôm, món đặc sản dân tộc. Tất nhiên dân tộc nào cũng có cái tốt, Việt Nam lại càng nhiều, nhưng giờ không phải lúc nói chuyện ấy. Người ta nói mãi rồi. Cái cần nói bây giờ là bắt chước ông nhà văn Đài Loan kia một lần tự ngẫm lại mình xem còn điều gì chưa được. Có nói quá đi một tí cũng chẳng sao. Tự khen mình quá đáng mới nguy hiểm. Như tôi và ông luôn tự diễu dân Nghệ An “cá gỗ”, “vắt cổ chày ra nước” có sao đâu? Có vì thế mà bị trách là không yêu quê hương đâu, nếu không muốn nói ngược lại? Về đại thể, tôi thấy dân Việt ta có đủ những thói xấu ông Bá Dương đã nói về đồng bào mình. Nói gì thì trong sách đã ghi rõ. Cái xấu của ta thậm chí còn ở mức tồi tệ hơn, vì chúng ta vốn là dân nhược tiểu. Nhược tiểu mà còn muốn làm cha bố người khác! Tôi nghĩ kỹ rồi, và thấy nó thế này. Ta chỉ nói phét chứ thực sự xưa nay không làm được điều gì ra hồn. Không một nhà tư tưởng ra hồn, không một trường phái triết học ra hồn... (Thái Bá Tân), v..v…
Tính... tốt của người Việt!
Ôi, ai cũng nói người Việt 'tốt' hết và họ đã được vỗ tay rầm rầm cả... 40 năm nay rồi, híc..híc..., còn nếu ai mà lỡ nói người Việt có tính... 'xấu', xấu xíu xìu xiu thôi, thì thế nào họ cũng bị ném đá... rầm rầm, huhu... Vâng, người Việt chúng ta tốt lắm, tốt như... thánh, chả vì thế mà họ đã tồn tại cả ngàn năm nay, bị xâm lược liên tục, và vẫn thường tụ tập với nhau để... chém gió/làm 'bà tám' hay nói xấu nhau cả ngày đấy ư!, và vì thế chả cần phải nghiên cứu, giáo dục hay học hỏi rút kinh nghiệm gì hết, cứ thế mà tiến lên sánh vai với các cường quốc 5 châu!
Sau đây là tính... tốt của người Việt:
Sáng nay tôi đi uống cà phê bên một con đường rộng 6m, không có lề đường. Có một anh chàng đạp xe ba-gác (bán bưởi) đi qua, bà chủ nhà mở cánh cổng ra để mua bưởi, một bà khác đang đạp xe đạp thấy vậy cũng trờ tới, dừng xe, đứng ngay ở vạch chính giữa đường và cũng... mua bưởi. Thế là nửa con đường đã bị chiếm và một 'cái chợ Việt' đã được hình thànhTrên đường về nhà, tôi thấy có nhiều cái chợ như thế... Và cả nước Việt biến thành một cái chợ lớn...
(Tôi viết đến đây chắc có một số học giả (!) không chịu như vậy, nhưng đáng tiếc, nó lại là một hiện thực Việt rất tổng quát và rất điển hình).
Ối chà, 'cái chợ Việt' đẹp quá, các nhà văn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, nhất là Vũ Hạnh... thấy vậy liền thăng hoa, múa bút tung hoành, rồi gửi lên Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển và sẽ được giải Nobel vào năm... 3000! Và các ông/bà mắt xanh mũi lõ nói 'good, good, good' và vội lấy máy quay phim ra, quay lia lịa, mà hy vọng sẽ được giải Oscar cũng đâu đó quanh quanh năm... 3000!
...Vào năm 2014 này, người Việt... tốt ở chỗ nào mà được các nhà văn/thơ hay đạo diễn... ca tụng dữ vậy (!), sau đây là các... đức tính của họ: đường hầu như không có lề đường, nhà (cánh cửa) thò ra chiếm đường đi, xe ba gác chiếm đường đi, xe đạp chiếm đường đi, người mua hàng chiếm đường đi, chưa nói đến chuyện trái cây có bơm thuốc 'Tàu' bên trong...
Vâng, họ rất tự nhiên và rất đáng yêu, và tôi cũng... yêu say mê nữa. Tuy nhiên, có một sự quan sát rất đặt biệt là họ chỉ hành động theo quán tính/bản năng vì lợi ich cá nhân/'lợi ích nhóm' và 'hầu như' không có ý thức rằng việc làm của mình có làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung của những người khác/xã hội/dân tộc hay không?...
Vâng, cũng những con người này, họ 'có thể' sẵn sàng lấn đất phía sau nhà, lấn đường phía trước, 'theo phong trào'..., và nếu có thể, họ sẽ bê cả cái 'Kho bạc nhà nước' về nhà mình, và vì thế, sẽ có ai đó do sơ hở mà trong đời đã từng bị mất cái điện thoại di động, mất sợi dây chuyền, mất xe máy, mất máy laptop, bị móc túi, bị trấn lột qua 'phong bì', bị 'mãi lộ', bị trộm chó, bị trộm/cướp đột nhập vào nhà...

Vâng, những người dân này chả khác gì người dân vào thời... Ngô Quyền, chỉ có khác là họ có cái điện thoại di động trong túi... Tôi không quan niệm rằng một xã hội được đánh giá là văn minh hay phát triển mà căn cứ vào việc có bao nhiêu cái điện thoại di động, bao nhiêu cái nhà lầu hay bao nhiêu cái ô-tô/xe máy... mà vào ý thức 'phi-lợi ích nhóm' của họ đối với người khác, của công, xã hội và dân tộc, và ý thức sáng tạo - tự tin 'ta là ta' mà không tự hạ thấp giá trị của ta đối với nước ngoài, đặc biệt là đối với Tàu. ('Thoát Trung hay thoát ảo', NGLB)

Ai nên khôn mà chả dại... 'nhiều' lần
Ha.. ha.. ha…, đã lâu, tôi có nói với hai người bạn là 'người Việt có… ngu’, một anh ta cự lại, nhưng lại dẫn chứng là Trương Vĩnh Ký có nói rồi!, rồi anh ta lại ngụy biện là ‘bây giờ mới vậy, chứ trước 75 đâu có vậy’, rồi anh ta dẫn chứng nào là nhà văn này, nào là nhà văn nọ ‘không có… ngu’ (!); còn anh bạn thứ hai nói ‘được sinh ra làm người Việt là một điều kỳ diệu’, tôi nghe câu nói này mai mái như câu tuyên truyền của ta về người nước ngoài nói ‘tôi mơ ước ngủ một đêm thức dậy trở thành người VN’ (vì VN là lương tâm của thời đại!), thế mà ngay sau 75, ta có cả triệu người ‘vượt biên bất hợp pháp’, còn trong 10 năm đổ lại đây, con cháu của người Việt lại ‘vượt biên hợp pháp’ (tị nạn ‘giáo dục’) sang các nước phương Tây rất nhiều, đó là chưa nói việc lấy chồng Tây, Đài Loan hay Hàn Quốc…
Nói ‘ngu’ (= stupid) có sao đâu, tôi nghĩ rằng 100% chúng ta, nếu không nhầm, ở trong đời đã có lần vò đầu bứt tóc mà nói ‘sao tôi ngu thế!’, thế mà bị ai nói ‘ngu’ thì nọc độc trong óc lại phun ra ào ào (’ném đá’ rầm rầm), cũng đúng thôi!, cũng tự nhiên thôi!
Nhưng ngày xưa, có người được gọi là Ngu Công (xem ‘Ngu Công phá núi’, trong cuốn Cổ học tinh hoa!) mà vẫn cứ làm cho đến khi đạt được mục tiêu của mình, thậm chí là đời con, đời cháu. Còn ngày nay, người Mỹ (Graham Greene) viết cuốn ‘Người Mỹ Trầm Lặng', người Trung Quốc (Bá Dương) viết cuốn ‘Người Trung Hoa Xấu Xí’, người Nhật viết cuốn ‘Người Nhật Xấu Xí'...; còn người Việt Nam (Vũ Hạnh) viết cuốn 'Người Việt Cao Quý' - quả là đại... khôn, ha..ha..ha...
Ngược lại, ông Phan Bội Châu nói là dân ta có nhiều ‘cái ngu’, ông Phan Chu Trinh thì dùng từ 'ngu xuẩn', ông Nguyễn Trung tâm sự là ‘cái ngu lớn nhất’ (đại ngu, siêu ngu!), ông Trần Đĩnh thì xài chữ ‘hèn’, Trần Hùng John cho là ‘thụ động’ (theo đuôi), cô gái Nhật cũng cho là 'đáng xấu hổ', Thái Bá Tân mô tả là 'quá tồi tệ', là còn tôi gọi là thế hệ ‘bạc nhược’, hihi…

Tôi có ngu không?, xin thưa, tôi cũng không ngoại lệ, như blogger Thái Bá Tân viết:
-‘Vâng. Tôi đúng là một người như vậy. Một người Việt xấu xí. Xấu nhất trong tất cả những người Việt xấu xí! Thủ phạm và là nạn nhân của những cái xấu tôi vừa nói. Tôi là một tên khốn nạn được ca ngợi, được tâng lên thành anh hùng... Xin lỗi, suýt thành anh hùng’… Nói đoạn ông cúi đầu. Và khóc không thành tiếng...
Vâng. kẻ khôn thì luôn hoài nghi về cái... khôn của mình, kẻ ngu thì luôn cho mình là khôn, vì thế, ta nên làm 'kẻ hoài nghi' vậy, hihi... 

Nhưng thôi, tôi quay lại chủ đề chính vậy.

Người Tàu hay người Mỹ như thế nào?
Nếu tôi nói tôi thích Mỹ hay thích Tàu thì có bạn sẽ hỏi, hay tôi tự hỏi, ‘anh chơi với người Tàu/Mỹ khi nào mà nói thích hay ghét Tàu/Mỹ?’. Có chứ, tôi có làm việc với vài người Mỹ, nhưng tôi nói chuyện với nhiều người Tàu hơn.
Tôi cố nhớ lại là tôi có ngồi trên máy bay trực thăng với lính Mỹ (tản cư năm 1965), có học tiếng Anh với một ‘thằng’ lính Mỹ còn trẻ măng, có quan sát một thằng lính Mỹ khác đến thăm lớp học…; rồi khi trên 40 tuổi, tôi mới làm việc với một đoàn bác sĩ mổ hàm ếch (smile operation) đến từ Mỹ, rồi với một bà tiến sĩ người Mỹ…, nhưng ấn tượng nhất là việc tôi gặp một xếp người Mỹ, câu chuyện như sau:
Một hôm, nàng (người Pakistan, theo đạo Hồi) rủ tôi cùng đi ăn cơm tối, nhưng vừa ra khỏi thang máy thì chúng tôi gặp một người Mỹ - Tổng giám đốc của một tập đoàn cà phê, ông ta liền niềm nở mời chúng tôi cùng ăn tối với ông, tôi nhìn vào ánh mắt của nàng để hỏi ý kiến, nàng liền từ chối:
-No, thanks, we’re busy in... (Không, cám ơn, chúng tôi bận...)
Lát sau, nàng thì thầm vào tai tôi là:
-Em rất ghét người Mỹ...
Tôi cố nhớ lại là tôi đã từng đánh nhau (giỡn) với một sinh viên người Tàu học cùng lớp, đã từng học Quản lý dự án’ từ một ông thầy Tàu, đã từng đánh bóng bàn với 2 người Tàu và nói chuyện với một lái xe taxi người Tàu (ở Malaysia); rồi mấy năm gần đây, tôi đã từng có cảm tình với ít nhất 2 cô gái Tàu (nhưng chúng tôi chưa... đến với nhau), đã nói chuyện với một cán bộ cầu đường (cầu Cần Thơ) người Tàu, và dưới đây là một câu chuyện có thật:
Tại Kuala Lumpur, tôi có đánh bóng bàn (đánh đôi) với 2 người Tàu..., họ trông có vẻ bình dân/vui tính lắm, và họ nói:
-Chúng tôi biết rằng dân Sài Gòn đánh bóng bàn giỏi lắm.

Rồi tôi có đi taxi, lái xe lại là 1 người Tàu, anh ta có nói:
-Ủa, tôi tưởng là ở Việt Nam (1997) vẫn còn có chiến tranh chứ!...

Vâng, trừ chuyện người Hồi giáo ghét người Mỹ, cá nhân tôi, tôi thấy người Mỹ chả có… vấn đề gì. Và trừ chuyện tôi có mất… cảm giác với một cô gái Tàu, tôi cũng thấy người Tàu chả có vấn đề gì. NHƯNG...
Thật là thú vị các bạn ạ, tôi hay đi đây đi đó, có ‘tiếp xúc’ với cả ngàn người, thôi, nói trăm người cho dễ, thì 100% số người đều ủng hộ theo Mỹ, có nghĩa là tuyệt đối không có ai ‘theo Tàu’ (trừ mấy ngài chưa bị lộ!), thiệt. Thật vậy, mỗi cái tôi cho 5 ví dụ thôi, về theo Mỹ như ‘sẵn sàng trãi thảm mời Mỹ vào’ (một nữ giám đốc), ‘Mỹ vậy chứ rất dân chủ’ (một nhà viết chính luận), ‘Mỹ rất sòng phẳng’ (một doanh nhân), ‘Mỹ chỉ làm kinh tế chứ không xâm lược’ (một blogger), ‘Mỹ có thể chơi TQ vào bất cứ lúc nào’ 
(một nhà bình luận xã hội)…; về không theo Tàu như ‘tôi ghét Trung Quốc lắm’ (chị Hai làm vườn), ‘ăn đồ Tàu vô coi chừng chết’ (chị Hai làm vườn), ‘chơi với ai cũng được, trừ TQ’ (một nữ giám đốc), ‘xin nhắc lại, em rất ghét bọn TQ’ (Violet), ‘TQ đánh vô thì em chết, nhà nước còn làm không được, em làm được gì’ (một tiếp viên nhà hàng), ‘TQ là một anh nhà giàu bẩn tính’ (nhà thơ Trần Đăng Khoa)…

Vậy ý tôi ra làm sao?
Thực ra, trước đây, tôi thích triết lý, truyện/phim kiếm hiệp hay dã sử, phim xã hội đen, truyện ngắn đương đại… của Tàu (Hồng Kông, Đài Loan) như cuốn Nam hoa kinh, phim Thiên long bát bộ, Sở Lưu Hương, Bao Thanh Thiên, Hoàng Phi Hồng, Hồ sơ trinh sát, Thần bài… đến nỗi mà cách đây 2-3 năm, tôi còn viết nhiều bài có liên quan đến… Tàu, híc.. híc… Mãi cho đến khoảng năm 2010-2011 khi mà sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa gây chấn động dư luận, tôi mới thay đổi ‘ý kiến’ và viết bài đầu tiên là ‘Tiêu Phong và Trường Sa-Hoàng Sa’ (đường dẫn bên dưới) nhằm nói lên thái độ… chính trị của mình: TQ là kẻ ỷ lớn hiếp bé, không phải là ‘anh hùng’…
Ngày qua ngày, sự kiện Giàn khoan HY 981 như đã thức tỉnh người dân Việt sau hơn 1000 năm (kể từ thời Ngô Quyền), mặc dù nói ‘Tàu là thâm’ nhưng vẫn ‘chơi’ với họ và cuối cùng là bị họ xỏ mũi'. Đối với đa số người Việt, dường như sự kiện này gây chấn động hơn vụ 2 quả bom nguyên tử thả xuống Nhật năm 1945!, mà làm cho các vụ ‘chiến tranh biên giới phía bắc 1979-1989’, ‘các cuộc đột nhập của TQ vào VN thông qua các dự án đầu tư có ý đồ', vụ ‘đường lưỡi bò và lấn chiếm các đảo trên biển Đông’… bùng nổ, đặc biệt là hành vi xấu của các thương lái Tàu + thái độ khinh thường VN trên báo chí của Tàu + ‘cấm vận’ báo chí/website VN + bộ mặt kiêu căng của các ông… mà làm cho 90 triệu người dân Việt cảm thấy bị xúc phạm và trở nên vô cùng dị ứng với cái mà được họ gọi là ‘Tàu khựa’: một tí tình cảm còn sót lại của người Việt đối với tập đoàn Tàu khựa này đã hoàn toàn biến mất!
Còn Mỹ có làm như thế không? Mỹ không có tranh chấp Biển Đông với ta, ăn hiếp ngư dân ta, đưa ‘thương lái’ qua lừa dân ta, không xỉ vả ta trên báo chí, không quy ‘thế lực thù địch’ khi có ai đó có thái độ chính trị, đặc biệt là các ngoại trưởng Mỹ như Hillary Clinton, John Kerry đã tỏ ra rất lịch sự với ta… Đặc biệt hơn cả là, thông qua phim ảnh, báo chí, bầu cử/ứng cử… (mà là một sự phản ánh hiện thực dưới nhiều hình thức), ta thấy chính phủ Mỹ có thái độ rất tôn trọng đối với người dân, còn dân Mỹ ăn nói ngắn gọn nhưng đầy triết lý, lại có thái độ rất ‘độc lập’ và không hề thấy có biểu hiện can thiệp vào nội bộ của VN (còn trên phạm vi toàn cầu là một chuyện khác), hơn nữa, Mỹ là một nước hùng mạnh nhất trên thế giới, tôi không nói dài dòng, mà chỉ nói:
-Một dân tộc hùng mạnh thì phải có một nền triết học hùng mạnh.

'Theo’ ai?
So sánh giữa TQ và Mỹ, cả về mặt ‘quyền lực cứng’ lẫn 'dân chủ', tôi xin nêu ra sau đây vài dòng:
-Trong nhiều khía cạnh, Trung Quốc đứng ngang hàng với các quốc gia có thành tựu thấp, và ít được kính trọng trên thế giới… Năm 2014, Freedom House xếp hạng Trung Quốc thứ 183 trên tổng số 197 quốc gia về tự do báo chí’ (David Sambaugh)… Chỉ số Gini (để đo độ bất bình đẳng xã hội, với 0 là bình đẳng hoàn toàn, 1 là bất bình đẳng hoàn toàn) nằm gần mức 0.5 là mức cao nhất thế giới’… 'Số bài viết trong mọi ngành khoa học của Trung Quốc được trích dẫn là 4%, so với Mỹ là 49%' (David Sambaugh)… GDP ‘trên đầu người’ của Trung Quốc khoảng trên 6000 USD, kém Mỹ là 7,66 lần, và kém Nhật là 5,97 lần (NGLB)…
-‘Chiếc iPhone, iPad, Microsoft, Internet - tất cả đều được tạo ra ở Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác. Người Trung Quốc có thể có nhiều nhân tài so với người Mỹ, nhưng sao họ không có những phát minh tương tự? Rõ ràng họ thiếu một sự sáng tạo mà người Mỹ sở hữu… Người Trung Quốc dù có thể chế tạo tàu sân bay nhưng vẫn không thể đuổi kịp người Mỹ một cách nhanh chóng về công nghệ tàu sân bay với sức chứa 5.000 quân và đầu máy hạt nhân’… ‘Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn ý tưởng dồi dào và tạo nên một chất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc.’ (Lý Quang Diệu)
... Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung Hoa trong vài thập niên qua, thực sự chỉ do Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật sai lầm đầu tư quá trớn vào Trung Hoa và thiếu suy nghĩ cho các hậu quả tương lai. Nhưng Trung Hoa không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ biết học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai. (‘Vũ khí chiến lược dầu hỏa’, Nguyễn Đình Phùng)
…Khi tôi đang lưỡng lự là ‘theo ai’ thì tôi thấy có một ‘Thủ tướng’ tư vấn rằng:
-Một chiến lược có lẽ đã được chính phủ Việt Nam bàn đến là làm thế nào để có thể bắt đầu thiết lập các mối quan hệ an ninh lâu dài với người Mỹ. (Lý Quang Diệu)
Bạn Hung Phi thì bình rằng:
-Không cần lý tưởng gì rốt ráo, em theo Mỹ!
Còn bạn Nguyễn Thu thì bình rằng:
-Tính xấu của người Việt đã rõ mười mươi, chỉ trừ những người có óc dân tộc và bảo thủ thái quá mới không chịu nhìn nhận và vất bỏ nó. Riêng chuyện theo Tàu hay theo Mỹ, Nguyễn Thu rất ‘kết’ cái kết luận của anh bằng các nhận xét (sẵn sàng trãi thảm mời Mỹ vào’, ‘Mỹ vậy chứ rất dân chủ’, ‘Mỹ rất sòng phẳng’, ‘Mỹ chỉ làm kinh tế chứ không xâm lược’, ‘Mỹ có thể chơi TQ vào bất cứ lúc nào’…) từ nhiều người dân.
Tôi mới trả lời rằng:
-UI, MÌNH THÍCH BẠN.


PHẦN 3
'Ốc vít' và 'xe tăng'

'Ốc vít' và 'xe tăng' là do một bạn gái, tại quán cà phê, khuyến khích tôi viết entry này... Mấy ngày nay, dư luận chấn động vì vụ 'Đại tướng xe tăng', chiều nay (16/11/2014), tôi mới nảy ý viết ra bài này với tiêu đề đầy đủ là Dân tộc Việt Nam không thể sản xuất ra ốc vít trong nước, nhưng có thể sản xuất ra xe tăng cho nước bạn’.
Cách đây mấy hôm, khi nói về ‘Tính xấu của người Việt’, tôi có nói là người ta sản xuất ra xe Honda, ô-tô, máy bay Airbus/Boeing, tàu sân bay, vệ tinh nhân tạo, lên mặt trăng, lên sao Hỏa, tàu vũ trụ đã đổ bộ lên sao chổi…, rồi virus HIV ‘thuần hóa’ được dùng để chữa lành hoàn toàn bệnh ung thư máu trắng (tin cách đây mấy hôm), còn dân ta chỉ biết mua chúng về xài và mở ra tiệm sửa xe Honda, sửa điện thoại di động, tiệm bán thuốc Tây!... Một phụ nữ lập luận rằng ta cần phải tận dụng thế mạnh của ta như nuôi tôm/cá basa, trồng lúa và sản xuất vài thứ ‘MADE IN CHO LON’… để rồi đổi lấy máy bay, vũ khí, súng đạn!...

Nhưng tôi không nghĩ vậy.
Tôi nghĩ rằng người Việt không chỉ có ưu thế là trồng... 'rau muống'..., mà còn biết sản xuất xe tăng, máy bay trực thăng hay nhiều thứ với đẳng cấp quốc tế mà có khả năng được nước ngoài thừa nhận. Tại sao trong nước lại không làm được vậy?
Tôi nghĩ rằng người Việt rất thông minh, có thể trở thành nhân tài bất cứ lúc nào, nhưng tại sao cái tài năng đó bị bỏ vào… xọt rác, trong khi mấy cái thứ trong xọt rác lại vô tình trở thành ‘đẳng cấp’ của xã hội Việt Nam đương đại???

Người nước ngoài nhận định về tính xấu của người Việt
Xin lưu ý rằng ta cũng thể viết ngược lại là ‘người Việt/người Hồi giáo nhận định về tính xấu của người nước ngoài/người phương Tây’, như vậy thì mọi thứ sẽ bằng ‘0’ theo tinh thần của Lão-Trang, và như vậy thì chả có gì để nói. Nhưng ta phải nói, vì nước ‘nhược tiểu’ là nước ta.
Tôi cũng làm giảng viên cho các dự án quốc tế trong 20 năm, trong đó các chuyên gia mà tôi hợp tác ấn tượng nhất là người Hà Lan, Anh, Thụy Điển, Bỉ, Singapore, Nepal, Pakistan và Philippines…
Khoảng năm 2003-2004, một đoàn chuyên gia quốc tế gồm 4 người: 2 người Anh (Michael và Rob) và 3 người Việt đến tỉnh NĐ để họp, 45’ sau, ra về, mỗi người đều có một cái phong bì, lên xe, mở phong bì ra, mỗi cái có 200.000đ, tụi Tây cười ngất, bắt mọi người phải xé hết các phong bì ra, vào một nhà hàng và ăn nhậu cho kỳ hết, quyết không đem về!, vì ở bên Tây không có nền văn hóa phong bì.
Trong thời gian 2009-2011, có một ông xếp VN được bên chính phủ cử ra ‘giám sát’ bọn Tây, ông này hay gọi điện hoạnh họe, quát tháo, bắt cấp dưới làm đủ điều (mục đích là để thỏa mãn cái tôi và để chiều lòng cấp trên của ông ta), hối cấp dưới làm nhưng ông ta thì quên (hay cố tình quên), ngâm tôm các đề xuất/kế hoạch ở dưới ‘trình lên’, đó là chưa kể việc ông ta nói xấu cấp dưới không ra gì (do không hợp với ông ta)…, vì vậy mà một kế hoạch đáng lẽ được phê duyệt trong vòng vài tháng thì phải mất đến vài năm, nên cứ mỗi lần ông ta gọi điện xuống là ông Tây (Chris) gọi ông ta là  ‘Mr. Fuck’ (ý nói là ‘thằng khốn’, xin lỗi)...

Ông Vũ Cao Đàm cũng có  làm việc với các chuyên gia nước ngoài, ông kể: Tôi hỏi các bạn Úc:
-Các ông ghét nhất là lao động người nước nào?
-‘Việt Nam’, họ trả lời cũng không đắn đo.
-‘Vì sao?’, tôi hỏi.
Cũng được nghe trả lời không chút đắn đo, là có bốn lý do để họ ghét, xếp theo thứ tự về mức độ nghiêm trọng tăng dần như sau: 1) Hay đi làm trễ giờ, 2) Hay nói dối, 3) Hay vi phạm các cam kết, và, 4) Hay ăn cắp vặt. Tôi hỏi tiếp, với người lao động Việt Nam, ông trả công bao nhiêu. Được nghe trả lời ‘Tối đa tôi cũng chỉ trả đến 7 Đôla Úc một giờ’, ‘trong khi trả cho lao động da đen là 10 Đôla Úc một giờ'. (trích lời bình của saumietvuon, đường dẫn bên dưới).
Điều này chứng tỏ lao động VN chỉ được đánh giá khoảng bằng nửa người nước ngoài (NGLB)...

Một lời bình hay
Người thông minh vốn tự biết mình ngu nên thường làm điều đã biết - và không ngừng đi tìm câu trả lời cho những điều chưa biết. Bởi thế - họ luôn biết phải làm gì. 
Kẻ ngu dốt luôn tự tin sẽ qua mặt được tất cả mọi người bằng dăm trò vặt - nên chẳng bao giờ biết là mình chẳng biết gì. Bởi thế - họ chẳng bao giờ biết mình đang làm gì - Nguyễn Quốc Trung đã nói như thế.
Có lần (tôi) đã nói với bạn Ái Nữ rằng: Cuộc hôn phối tưng bừng không kèn không trống của hậu hiện đại và chủ nghĩa hư vô đã sinh ra một bầy chuột trù trì độn - ươm mầm dịch hạch trong tư tưởng. Từ đó mọi bi kịch kinh hoàng nhất đã khởi nguồn trên sự sống. Bạn 'labang' dùng từ Xọt Rác là không hề quá lời - Mà còn giảm nhẹ. Thời đại này, dục vọng biến thành ý thức, con người duy vật tồn tại, xã hội như một thùng nước gạo chứa đầy những phế phẩm tạp nham thiu thối. Người Việt vốn có tố chất thông minh, nhưng sống trong môi trường này, tài năng nếu có nhú được mầm - chuyện này là hiếm khi. Còn những thứ đẳng cấp - có thật là đẳng cấp không? Người ta có thể bẻ cong chân lý, bóp méo mọi giá trị, xuyên tạc mọi ý nghĩa, đổi trắng thành đen, nhưng, chỉ duy nhất có - sự thật là không gì có thể thay đổi được. Không bao giờ có sự thật cuối cùng. Những gì được công nhận là sự thật hôm nay - không ai biết sự thật ngày mai là gì. (Trần Quốc Trung, blog Ái Nữ)

…Nói chung thì người Việt ‘thường’ không tránh khỏi các từ/cụm từ như: hối lộ/tham nhũng, quan liêu, thỏa mãn cái tôi, ‘nâng cần’ cấp trên, trình duyệt và ‘ngâm tôm’, nói xấu nhau, đi làm trễ giờ, nói dối, vô kỷ luật, ăn cắp vặt, rồi ‘bẻ cong chân lý, bóp méo mọi giá trị, xuyên tạc mọi ý nghĩa, đổi trắng thành đen’…
Tóm lại, tư liệu thì mênh mang, tôi chỉ viết về vấn đề này đến đây thôi.

Chiều nay tôi nói ở quán cà phê (lời bình của tôi)
Ui, hồi nãy đến giờ, tôi ngồi 30' mà chả biết... bình như thế nào, vì thấy nhiều 'sóng' mạnh quá (cười), Hồi nhỏ, tôi sinh sống ở vùng biển - tên là biển Thanh Bình (Đà Nẵng) vì sóng ở đó rất hài hòa, vì thế mà tính tình tôi thường mềm chăng!
Tôi ủng hộ bài viết 'Tự trào dân tộc' của bạn saumietvuon (xem phần 1, nhất là bài có từ ‘con chim chìa vôi’) vì tôi cảm thấy được nội hàm, chứ không phải là hình thức của chữ ‘ngu’, đơn giản, ngu là ‘không khôn’, theo nghĩa rộng (mặc dù không hoàn toàn đúng).

Tôi xin chép ra dưới đây 2 lời phát biểu của 2 tay bút khá nổi tiếng trên mạng (tôi không quan tâm đến thái độ chính trị của họ):
-Một trong những cái ngu dốt lớn nhất của chúng ta là chưa thấy hết được cái ngu dốt của chính mình. (Nguyễn Trung)
-Tôi nói dân ta hèn là vì như thế này: dân ta anh hùng nhưng sợ từ anh tổ trưởng sợ đi, sợ anh công an, sợ các thứ. Tôi cũng cảm thấy chính mình cũng hèn. Mình sợ nhiều thứ quá. Đấy là một tâm lý rất Việt. Bom đạn không sợ nhưng rất sợ quyền lực. Chính điều đó đẻ ra việc chúng ta khó có dân chủ là vì dân trí thấp. Chúng ta đinh ninh rằng chúng ta anh hùng trước mặt ‘kẻ thù’ nhưng đụng đến chính quyền, đến nhà nước là ta im re hết. Tôi gọi hèn là vì vậy. Tại sao tôi khóc vì tôi cảm giác nhân dân như bố mẹ mình mà mình nói xúc phạm như vậy là mình có lỗi với bố mẹ mình. Bây giờ dần trưởng thành rồi mình cảm thấy không phải như vậy nữa. (Trần Đĩnh)
Tôi cũng thích phát biểu sau:
-Nói ra không phải để sự việc trở nên xấu hơn, nói ra để mọi người nhìn lại mình và tìm cách cải thiện. Người ta cũng nên thay đổi đi thôi, nếu không sẽ là quá muộn màng. Người ta hãy nhìn cho kỹ vào “chúng ta” để thấy được cái sản phẩm được tạo ra có hình hài gì… Tôi rất muốn hỏi người ta hay những ai là trí thức và học cao hiểu rộng của nước Việt: nhìn vào thực trạng đó các vị không thấy đau đớn sao? (Mắt Đời, nhahatburatino.blogspot.com)
Ông Nguyễn Trung là nhà chính luận, ông Trần Đĩnh là tác giả của cuốn ‘Đèn Cù’… nổi tiếng, còn bạn Mắt Đời cũng không đến nổi… tệ!, tôi chưa dám nói là họ nói đúng hay sai, nhưng tôi không ‘say no’ (= nói không).

Qua thơ dịch (!) của bạn Vườn Của Đạt:
Người khôn đầy những nghi ngờ
Người ngu đầy những ngu khờ tự tin (Charles Bukowski),
tôi đã viết ‘Vâng. kẻ khôn thì luôn hoài nghi về cái... khôn của mình, kẻ ngu thì luôn cho mình là khôn, vì thế, ta nên làm 'kẻ hoài nghi' vậy, tôi lại còn bổ sung 2 chữ ‘hihi...’ nữa.

Nhưng...
Khi tôi viết đến đây thì có một cậu sinh viên đến và nói:
-Chú có biết mấy bài viết về ‘Đại tướng xe tăng’ T.Q. Hải (và con, được Quốc vương Campuchia phong tặng huân chương) ở trên mạng bị ‘CHẶN’ không?,
tôi mới nghĩ trong lòng ‘ủa, sao vậy?’, tôi không tin đó là một sự thật, và tôi nghĩ tiếp ‘Tôi nghĩ rằng người Việt rất thông minh, có thể trở thành nhân tài bất cứ lúc nào, nhưng tại sao cái tài năng đó bị bỏ vào… xọt rác, trong khi mấy cái thứ trong xọt rác lại vô tình trở thành ‘đẳng cấp’ của xã hội Việt Nam đương đại???’, tôi dùng từ ‘xọt rác’ có hơi nặng một tí, nhưng tiếc thay đó là một sự thật: chiều nay tôi ở quán cà phê.

Và cuối cùng là 2 lời bình tiêu biểu (có thật):
-VN thắng 1-0 rồi! (trận VN - Indonesia, tối 12/11/2014)
-Sau đó là 1-1, rồi 2-1, rồi 2-2, VN dẫn trước, mình mới biết rằng dân tộc tính của mình là 'do dự', vì suốt đời không có tự chủ/tự lập, và vì thế có làm được thành quả gì cũng quay về chốn cũ, híc.. híc...

PHẦN 4
Đám cưới ở Việt Nam


Tôi… vừa bị một chuyến đi đám cưới xuyên Việt, hết 8 ngày (từ 24/11 đến 1/12/2014), qua khoảng 8 tỉnh, từ Sài Gòn qua Đồng Nai, Lâm Đồng (Bảo Lộc), Đắc Nông, Đắc Lắc (Ban Mê Thuột), rồi Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…, lý do là ngày nay, biên độ địa lý 'yêu đương' của đôi lứa đã trải rộng ra khắp mọi miền của đất nước (kể cả nước ngoài) - người Ban Mê có thể yêu người ở tận Cà Mau hay Hải Phòng..., mà trong đó, tôi như một người vô hình đi xuyên qua thế nhân, để làm một quan sát viên!
Lịch trong 8 ngày như sau:
-Ngày 1: sáng rượu bia, chiều bia rượu
-Ngày 2: sáng bia rượu, chiều rượu bia
-Ngày 3: sáng rượu bia, chiều bia rượu
-Ngày 4: sáng bia rượu, chiều rượu bia,
và cứ thế, cứ thế, cho đến hết ngày thứ 8, như vậy, tôi có... sơ sơ từ 16-24 cuộc 'ăn nhậu', và nếu được, sẽ có rất nhiều đệ tử của lưu linh sẵn sàng 'chơi' luôn... 365 ngày!
*
Tôi thấy trong các cuộc ‘đàn đúm’ của những người Việt... ‘cổ’ này (đối với thế giới phát triển) hầu như không có sáng tạo: không có thơ văn, không có khoa học (toán, lý, hóa, kỹ thuật, không gian, vũ trụ…), không có ‘chính chị chính em’ (không có nghe nói đến các trang web như ‘quê choa’, ‘bauxite’, ‘văn việt’ hay các trang báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật…), không có hội họa, không có âm nhạc, không có Nobel, không có Oscar…, mà chỉ nghe toàn là chuyện thăng quan tiến chức, chuyện tiền bạc, chuyện nhà cao cửa rộng, chuyện xe pháo đồ đạc đắt tiền, chuyện tiếu lâm, chuyện dân gian/làng xóm/họ hàng/quan hệ xã hội với vô số các chủ đề không đâu vào đâu, và cũng rất khó cho tôi khi tìm được cây bút, tờ giấy hay cái mạng wifi để ghi tốc ký cho nhiều tư liệu 'sống' dưới đây…, có lẽ người Việt đã đến lúc lấy ‘ăn nhậu’ làm cái ‘link’ cho mọi thứ’ mà - mặc dầu tôi đã từng nói ‘thượng đế lấy tương tác âm-dương làm cái link cho sự vận động của vũ trụ vạn vật’ - điều này mặc nhiên, trong một chừng mực nào đó, người Việt đã trở thành... thượng đế!
Tại sao đa số người Việt lại lấy việc nhậu nhẹt/giá trị vật chất làm… chân lý (có người gọi đây là việc 'tôn thờ ma men', có người gọi là 'cơn mê', có người gọi là 'cơn lên đồng'...) và bản chất của vấn đề là gì? Có lẽ đề tài này cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, nhưng… tốt hơn là để cho người nước ngoài nghiên cứu, rồi sau này con cháu ta sẽ vừa nhậu nhẹt vừa nói ‘vĩ nhân A sáng tạo ra cái này’, ‘vĩ nhân B phát minh ra cái kia’, ‘vĩ nhân C phát kiến ra cái nọ’..., rồi có thể phong thánh cho họ hoặc tôn thờ họ!
*
Tôi có dự đám cưới ở các nhà hàng nổi tiếng như nhà hàng Đông Phương, Quân Đội/Quân Khu 7, New World (ở Sài Gòn), nhà hàng Thắng Lợi, Đại Hùng! (ở Ban Mê), hay các nhà hàng ‘Hải quân’ (ở Hải Phòng)…, nhưng điều đó không quan trọng, mà tình cảm của tôi hướng đến những đám cưới ‘trung bình’ hay ‘nghèo’ ở các nhà hàng nhỏ ở các tỉnh lẻ, ở các huyện miền quê, hay ở các ‘rạp cưới’ trong rẫy (cà phê), sân, vườn… Dĩ nhiên là nội dung của các đám cưới (hay rộng hơn là các cuộc ăn nhậu) ở VN nhìn chung là như nhau, mà tại đó (hay tại các lễ hội), 'phép vua' thực sự thua 'lệ làng', trong đó:
Người ta thường chọn đám cưới vào ngày tốt, nên nó dễ rơi vào các ngày làm việc (từ thứ Hai đến thứ Sáu), hơn nữa, khá nhiều người dân muốn tổ chức đám cưới tại nhà - tình cảm hơn, nhưng lại phức tạp hơn, hơn nữa, dự 1 đám cưới sẽ thành... 4 cái đám cưới, vì: '2 đám cưới' (nhà trai và nhà gái)' x '2 đám cưới (nháp và thật)', chưa kể đến các cuộc mời mọc 'lẻ' giữa hai họ, mà có thể làm cho các cuộc đại-ăn-nhậu này kéo dài đến 3-4 ngày, thậm chí là cả tuần hay trên 10 ngày!
Khác với tổ chức tại khách sạn, các thủ tục của đám cưới tại nhà riêng tỏ ra rất phức tạp như lễ dạm ngõ, đám hỏi, đám cưới nháp (bữa nhậu giữa 2 họ trước đám cưới), lễ Gia tiên, rồi đám cưới (nay thường kết hợp với đám hỏi luôn thể) với phong tục tập quán đầy mình, mà có lúc đứng tại đó, tôi thấy sự tự nhiên/thoải mái 'của thế kỷ 21' chỉ có 10%, còn 90% là không khí nặng nề trang nghiêm của cái được gọi là ‘truyền thống văn hóa 4000 năm!’, mà xong mỗi cái lễ là tôi thấy ‘rục’ cả đôi chân và mồ hôi toát ra dầm dề…
Tôi đã nhiều lần nghe từ ‘cơi giầu’ (cơi trầu, thường kèm theo 5 'quả' có phủ khăn điều màu đỏ (trong đó phải có một con heo quay), thậm chí có nhà gái đòi đến 7, 9 hay 11 quả để cho oai!, mà giá trị có thể đến vài triệu hay vài chục triệu) mà nhà trai mang qua nhà gái - như là một thủ tục truyền thống đơn giản trong đám hỏi, nhưng ối giời ơi, đó là một cuộc giao dịch đến vài chục triệu, vài trăm triệu, thậm chí là đến vài tỉ đồng… giữa hai họ. Có vài lần, tôi quan sát lễ này, ối giời ơi, nửa con đường (hay cả hai bên đường) giao thông đã bị chiếm để hàng loạt xe ô tô nối đuôi nhau đậu, rạp cưới thì chiếm luôn lề đường (hàng ngày có nhiều người buôn bán ở đấy, ông chủ phải  làm 'công tác tư tưởng' mấy ngày trước đó), tiếng còi xe inh ỏi, rồi nạn kẹt xe cục bộ với việc huơ tay chỉ đường từ bên này hay bên kia đường của những người hướng dẫn khách đến dự đám cưới… mà có thể có các nhà văn hay nhà quay phim nước ngoài nào đó sẽ, dĩ nhiên, khen là ‘Việt Nam có truyền thống tốt quá, đẹp quá’…, và rồi, có khả năng, các tác phẩm của họ sẽ được giải Nobel hay Oscar gì gì đó!, nhưng dưới mắt tôi, tôi không nhìn thấy ở đó tính ‘sáng tạo’, nếu luận về hai chữ ‘phát triển’…
Những bản nhạc sống trong đám cưới thường là nhạc trước 75, rồi nhạc trẻ, nhạc thời trang, nhạc ‘Bài hát Việt’ và thỉnh thoảng có chèn vào một vài bản nhạc xanh-đỏ… như Ngày tân hôn (Oui devant dieu), Túp lều lý tưởng, Lâu đài tình ái, Chiếc khăn Piêu, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Ca dao em và tôi, Yêu bằng tình loài người (Gần nhau), Paris có gì lạ không em, Thuyền và biển… (mà lâu lâu có kèm thêm vài cú nhảy hip-hop giựt giựt giống như... con khỉ đột, và hầu như không có nhạc Tàu như trước, vì Tàu bây giờ rất mất uy tín với cộng đồng Việt!)...
Tôi cũng quan sát các loại rượu dùng trong 'dịp' cưới, chẳng hạn như rượu Putin (Vodka Nga), Remy, Chivas, Salute, Scott, Walker, vang Tây Ban Nha, Nga, Argentina..., tất nhiên trong đó cũng có bia Ken, Hà Nội, Sài Gòn đỏ, Sài Gòn lùn... được huy động; ngoài ra có các loại thuốc lá như Gold (Hải Phòng), Vinataba, 555...; các loại chè 'búp bùm bụp, xít xìn xịt, chát chàn chạt' như chè Bắc Thái, Thái Nguyên (Tân Cương, Phúc Lộc Thọ) chẳng hạn... 
Có nhiều giá cho một suất ăn tại các đám cưới, ở các rạp cưới ở thôn quê thì khoảng trên dưới 200.000đ/suất, ở các nhà hàng trung bình là 300.000đ/suất, và ở các nhà hàng lớn/nổi tiếng là từ 1 triệu - 2 triệu/suất, căn cứ vào giá trị của các suất ăn mà tiền đi đám cưới dao động từ 300.000đ đến vài triệu/phong bì, thậm chí hơn (nếu để 'nâng bi' xếp)... Còn cái vụ áo quần đám cưới nữa, thường là các bà con của cô dâu/chú rể, phải may mới, nếu là veston nam thì cỡ 2-3 triệu/bộ, áo dài nữ (2 lớp) có thể đến 4 triệu/cái, phức tạp thật...
Thức ăn thì Nam, Bắc cũng tương tự, ngoài Bắc thì có thể thêm món 'ba ba nóng hổi!' (quấn trong lá sen), món 'chả rươi' (rươi: một loại giống như con giun, sống ở vùng nước lợ), 'súp hà/hào' (từ con hà hay con hào), hay món 'bò sốt vang', ngoài ra có thể có món gà 'Đông Tảo' (tôi đã thấy một con trống có chân ngắn và lớn dị thường, nặng 3-4kg, thường dùng để chiêu đãi nội bộ, với giá 990.000đ/kg)..., đặc biệt là người miền Bắc rất ít dùng ớt...
*
Tôi ra Bắc nhân 'mùa đám cưới', mà ông sui bảo rằng người ta tránh đám cưới vào tháng 'nhuận', nên xúm nhau tổ chức đám cưới vào tháng 10 ÂL, nên hầu như ngày nào cũng có đám cưới.
Tôi thấy ở sân bay có các hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar, mà tôi luôn bay trên những chiếc máy bay Airbus, và lúc đó tôi thầm nghĩ là 'bao giờ người VN có thể tự sản xuất ra máy bay để khỏi đi nhờ máy bay của người ta nhỉ?'...
Từ Sài Gòn, tôi bay ra sân bay Cát Bi (26/11/2014), lúc đó thời tiết ở Hải Phòng cũng 'đẹp' như ở Ban Mê, ngày mát, đêm có tí lạnh, nhưng đến ngày thứ Bảy thì có tin có cơn bão số 4!, may thay đến sáng CN thì cơn bão chuyển thành áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc tiến vào VN, buổi chiều thì bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là đến chiều thứ Hai thì trời càng trở lạnh và có mưa phùn lắt rắt...
Tôi thấy hình như người miền Bắc (đồng bằng sông Hồng) theo đạo Thiên Chúa nhiều hơn, và hầu như tôi không gặp người theo đạo Phật; ngoài ra, người Bắc hay Nam, người Việt hay người nước ngoài đều có chung một sở thích - phi chính trị, phi tôn giáo, đó là xem bóng đá, hihi...
Đi lang thang ở các quán cà phê, tôi được nghe 'nhạc miền Tây' và xem các clip của Phương Thanh, Hồng Nhung, Thu Minh, Quang Lê..., và tôi thấy rằng 'nhạc đỏ' không được người dân ưa chuộng... Cũng ghi nhận là cà phê ở đây không dở hơn cà phê ở Ban Mê, nhưng người ta hầu như không uống cà phê, và tôi chỉ 'cà phê một mình', mà người ta chỉ đến với nhau vì lời kêu gọi thần thánh của bia rượu và lợi ích vật chất (vì sự nghiệp của bản thân/gia đình) - mà ở đó, các tư tưởng Lão-Trang, Thiền-Phật, Osho/Krishnamurti, Nietzsche, thậm chí là Karl Marx... cũng không có đất đứng, nên tôi thiết nghĩ là ông Đặng Lê Nguyên Vũ nên đưa từ 'sáng tạo' ra khỏi các quảng cáo cà phê của ông (cười)... À, sau đó, tôi nghe nói là các quán cà phê này có 'vấn đề', tôi mới quan sát kỹ, té ta tôi phải ngồi uống cà phê một mình vào ban ngày, là vì các hoạt động 'em út' chỉ diễn ra sôi nổi ở đàng sau tấm cửa kính (sau vườn) của các quán này về đêm, hihi...
Thường đi dạo phố vào buổi tối, ngắm cảng Hải Phòng với vô số chiếc cần cẩu vươn lên trời cao, ngắm hai bên đường có rất nhiều cây phượng vĩ chưa kịp trổ bông (thường là vào mùa hè), tôi thấy nữ Hải Phòng rất... đẹp, thiệt, chả vì thế mà nữ Tuyên Quang và Hải Phòng thường thay phiên nhau đội vương miện Hoa hậu Việt Nam trước đây đó ư!, họ ăn mặc đơn giản, mà thường là áo cánh mỏng, bộ veston mỏng, và đủ loại váy (nhất là trong đám cưới), khác với nữ Sài Gòn hay Ban Mê Thuột, với bộ quần áo gió trùm kín từ chân cho tới đầu, do sợ đen da vì thời tiết trong Nam nắng nóng hơn!...
Ghé vào các shop bán đồ lưu niệm bằng đồng, tôi thấy các bức tranh, chạm trổ/điêu khắc ở đây hầu như đều có chữ Tàu, như 'mã đáo thành công', 'thuận buồm xuôi gió' (quên mất)..., mà tôi thầm nghĩ là: với 'quyền lực mềm' kiểu này thì còn lâu VN mới 'thoát Tàu', may thay, nghe 'báo cáo' lại là ở đây không còn mấy người Tàu nữa, vì họ đã ra đi vào năm 1979, tôi thấy mừng quá!, thiệt.
Tôi cũng được dịp đến gia đình của một số đại gia để nghe 'khoe mẽ', trong đó tôi đã thấy những con kỳ lân đá với giá hàng chục triệu đồng/con,  những chiếc đồng hồ cổ thời Pháp, hay những cái trần nhà bằng gỗ sồi (oak) với giá trên dưới 200 triệu/chiếc (cái), các loại xe máy như Air Blade, Vespa, Liberty, SH... với giá từ vài chục đến vài trăm triệu/chiếc, những chiếc xe ô tô như Lacetti, Focus, Camry... với giá từ vài trăm triệu đến vài tỉ/chiếc, thậm chí tôi đã thấy một chiếc Lexus chạy qua cầu Bính với giá gần 6 tỉ đồng, tất nhiên là xe đạp hay xe đạp máy cũng còn khá phổ biến...
Tôi có quan sát và thấy rằng dường như trí tuệ phương Tây rất ít du nhập vào Việt Nam, ta chỉ biết ít nhiều về Nga, Tàu, mà nhiều khi nghe nhắc đến các thần tượng/nhân vật huyền thoại về văn/thơ, âm nhạc, điện ảnh, thể thao, triết... của thế giới phương Tây, tôi cứ như nghe lần đầu, và tôi cũng không lấy làm lạ khi các thế hệ trẻ VN cố tìm mọi cách để được du học ở các nước phương Tây, chứ không phải Tàu... 
Tôi cũng có đi tham quan khu 'trung ương' của Hải quân VN! với các quần thể nhà Pháp rất ấn tượng, được biết ông Trần Hưng Đạo là 'tổ' của Hải quân!, rồi bà Lê Chân (nữ tướng của Hai Bà Trưng) là thủy tổ/người đầu tiên lập nên vùng đất Hải Phòng, cũng rất ấn tượng vì tôi được biết thêm thông tin...
*
Tóm lại, đi từ Nam ra Bắc:
Tôi có nghe người ta nói 'có ai đó chống cái này, chống cái nọ', 'có nước nào đó là đối tượng, lại có nước khác là... đối tác', rồi chuyện 90% phụ thuộc kinh tế Tàu... gì gì đó, đây là chuyện chính chị chính em, mà khi về đến Sài Gòn, tôi có nói với các bạn của tôi rằng 'đó không phải là chuyện của chúng mình, mà là chuyện hư ảo'...
Tôi có nghe mọi người dân, từ Bắc chí Nam, đều nói là 'không thích Tàu', và bay trên những chiếc máy bay Airbus của phương Tây, tôi thấy rằng những phát biểu của người dân là đúng... Tôi cũng kịp biết là mọi người Việt đều tôn trọng 'chiếc bàn thờ' (thế giới tâm linh) mà kẻ chiến thắng hay chiến bại đều phụ thuộc vào sự 'tôn trọng' ít hay nhiều vào chiếc bàn thờ đó...
Tôi có nghe nhiều người nói 'phú quý sinh lễ nghĩa', tôi mới trả lời (cho blogger Đóm) rằng: Vâng, 'phú quý sinh lễ nghĩa', đó là câu 'ngụy biện' cho thời đại mà hầu như mọi người đều sống trong cái thế giới mơ huyền này (cười), tại sao phú quý không sinh ra 'tư tưởng', tại sao người ta chỉ say mê hơn thua vì đẳng cấp cá nhân , chứ không phải vì đẳng cấp dân tộc nhỉ! Thôi, cái đó để dành các triết gia, Đóm à.
Tôi có nghe mấy phụ nữ, trước khi từ biệt, kể một câu chuyện... có thật: Có một ông cán bộ đi hát Karaoke, vì uống nhiều quá nên không còn tỉnh táo, khi đó, vợ ổng đến tìm, thấy bả, ổng bèn phất tay và nói:
-Đi qua phòng khác, tiếp viên gì mà vừa xấu, lại vừa già (ha..ha..ha...)

Cuối cùng, tôi có nghe các cháu nữ sinh viên, khi tiễn tôi ra sân bay, với các cặp mắt đen láy, nói 'chúc chú gặp nhiều may mắn' thế này thế nọ, tôi thấy bừng lên một ít hạnh phúc bản thân, vì dù sao các cháu đã tặng tôi ấm áp tình người, nhưng tôi cũng kịp buồn khi sáng nay, một bạn ở Sài Gòn bảo 'người Việt đang tôn thờ con ma men', còn một bạn khác thì bảo 'người Việt đang sống trong cơn mê'...

PHẦN 5
Việt Nam và triết lý bóng đá
 
"Không chỉ mùa bóng đá này, mà hầu như các mùa bóng đá khác xưa nay, không chỉ bóng đá, mà những lĩnh vực khác, cuối cùng người Việt đều làm cho chính bản thân họ thất vọng, hình như có một lý do bí ẩn nào đó, mà các nhà nghiên cứu chưa nghiên cứu tường tận"

Tôi đã nhìn chảo lửa trên Sân vận động Mỹ Đình, đã nhỉn thấy hàng chục ngàn cánh tay với 2 chữ 'VIỆT NAM' rực lửa trên màn hình cùng với hàng triệu triệu trái tim 'yêu nước' và đoàn kết của người Việt, tôi đã ứa nước mắt...
NHƯNG...
Kết quả là: Việt Nam thua Malaysia 2-4, và khát vọng của mấy chục triệu người Việt 'YÊU NƯỚC' òa vỡ tan...
Tôi đang nghe bình luận liên tục trên kênh VTV6 (BLV Thanh Tú), 9.01 PM, 11/12/2014...
*
Rất lâu nay, tôi hay quan sát hành vi của người Việt nơi công cộng (nhất là khi tham gia giao thông), tôi đã nói nhiều lần là tôi thấy cặp mắt họ DÁO DÁC nhìn hai bên mà không nhìn chính diện, đặc biệt là những người vừà chạy xe máy một tay, còn một tay cầm ĐTDĐ dí vào tai... Tôi có nhớ là có đọc trên báo 'An ninh thế giới' gì đó, cách đây đã hơn 10 năm, nói về một người Pháp lái xe ngựa, trên một quãng đường vắng, tai nghe ĐTDĐ, mà phải bị ra tòa án dân sự, cuối cùng thì anh không bị phạt, nhưng điều rất quan trọng là vì nghe ĐTDĐ khi đang tham gia giao thông, anh phải ra tòa!
Tôi cứ quan sát và quan sát, viết hoài và viết hoài về chuyện người Việt khi dựng xe máy ngoài đường, hay khi đứng ngoài đường, rất 'thường' không hề quan sát là mình đứng như thế có làm ảnh hưởng đến ai không, không hề có 'phương án' là nên chọn chỗ đậu xe xe/chỗ đứng thế nào cho hợp lý. Và nhiều nhiều nữa...
Tôi đã viết 4 bài về 'Tính xấu của người Việt', tôi đã chọn lựa phương án là làm sao viết cho khỏi bị ném đá, vì theo quan điểm của nhiều người, thì người Việt cái gì cũng tốt, không bao giờ sai cả!... Rất may là ông Phan Bội Châu, ông Phan Chu Trinh... đã nói thẳng về 'tính' đó, rồi ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông Trần Ngọc Thêm... đã ít nhiều nói về 'tính' đó (tính thái âm, xem dưới), rồi mới đây, ông Nguyễn Trung, ông Trần Đĩnh (tôi không nói về quan điểm chính trị) không ngại ngần khi nêu lên 'tính' đó, thậm chí là GS Nguyễn Lân Dũng, rồi nhiều blogger cũng không từ chối rằng người Việt ta có 'tính' đó - mà tôi tạm kết luận là tính HOANG DÃ!
*
Khi VN đá với Indonesia, tôi thấy VN thắng trước 1-0, rồi người Việt LÍU QUÍU sao đó để Indonesia gỡ 1-1, rồi VN thắng trước 2-1, rồi người Việt lại LÍU QUÍU sao đó để Indonesia gỡ 2-2, mà nếu không nhầm, một bình luận viên của ta có bình rằng 'đó là một trận hòa nhục nhã'...
Khi xem trận này, tôi mới nói với con tôi là: người Việt hay DO DỰ, không quyết đoán, mà khi quyết định điều gì, thị họ phải nhìn quanh thử xem có 'dựa lưng' vào ai không, có lẽ lý do là từ nhỏ, các cháu đã được rèn luyện tính CHẤP HÀNH (mệnh lệnh cấp trên...) chứ không phải là tính độc lập...
Tối hôm qua, 10/12/2014, trong chương trình truyền hình cuộc thi 'Hoa khôi áo dài VN 2014', một giám khảo - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - đã nhận xét rằng (tôi nhớ lại):
-Hôm nay cặp mắt các em đã nhìn thẳng rồi, đã tập trung rồi, chứ không nhìn DÁO DÁC như mấy lần trước nữa. (!)
Tôi mới nghĩ rằng vị giám khảo này đã có nhận xét rất tinh tế!
*
Đã có rất nhiều lần tôi... bị gọi đi nhậu, tất nhiên là nhậu mỗi tuần một lần thì không có vấn đề gì, nhưng cú gọi đi nhậu đó là: hôm qua nhậu, hôm nay nhậu, ngày mai nhậu, ngày mốt nhậu...
Tôi mới tự hỏi là người Việt rủ nhau nhậu liên tục để thỏa mãn cái khát vọng gì?, để làm nước ta đứng thứ bao nhiêu trên trường quốc tế?...
Và họ nhậu để làm cái gì?
Tôi mới lắng nghe rất kỹ là ông A nói rằng ổng tài chỗ này, ông B nói rằng ổng giỏi chỗ nọ, ông C nói rằng ổng hay chỗ kia, còn rất nhiều ông D, E, F, G, H... bình loạn chính trị đủ thứ chuyện, nào là chê lãnh đạo này, chửi lãnh đạo kia, bới lãnh đạo nọ, nào là nước ta phải làm như thế này, như thế nọ, rồi bình về Obama, Putin, Tập Cận Bình..., hễ ông nào nổi tiếng là họ... bình tuốt, cái gì họ cũng biết, tất nhiên là họ có nói đúng phần nào, nhưng tôi thiết nghĩ đó là các suy nghĩ không sâu sắc và không có chất lượng.
Kết quả là những ngài chém gió này đều giỏi văn, thơ, triết học, âm nhạc, giỏi thiền, phật, chúa, thượng đế, giỏi bình luận chính trị..., nhưng chả có cái gì giỏi cả. Tất nhiên là trong nước có bình bầu, có vài cái giải này, giải kia (chứ không phải giải Nobel, Fields hay Oscar...), nhưng dường như chả có ai phục ai cả, và dường như chả mấy ai tin vào mấy cái giải đó, xin lỗi.
*
Tôi không hề nói dối các bạn:
-Tôi có một ông chú họ xa (mấy năm nay không gặp), khi tôi gặp ổng, ổng đều nói là ổng biết hết mọi thứ trên thế gian này, biết tất tần tật..., ngoài ra ổng còn khoe là ổng mà giảng về 'quy luật không ngừng tăng năng suất lao động' thì ở VN này không có ai bằng ổng, ổng còn nói thêm rằng mấy thằng TS ở Học viện Hành chính X là giảng dở ồm, là chả biết cái gì... Rồi, 30 năm sau gặp lại, ổng là một người... thất nghiệp và hay mượn bàn nhậu để 'gáy', và tôi... kiểm tra, thấy 'trí tuệ' của ông không có tiến bộ gì cả, mà thực sự đi thụt lùi, rất thụt lùi...
-Tôi có một người bạn, mà tôi đã xem anh ấy như là một thiên tài, ngoài việc có trí tuệ uyên bác, ảnh còn có tài... nói nhiều, nói hay, cứ gặp anh ấy là nghe nói về các nhà lãnh đạo VN, Hồ Cẩm Đào, Bill Clinton, rồi chuyện các GS/TS ở các trường đại học, ảnh nói như bắp rang... Rồi 10 năm sau gặp lại, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy vũ trụ quan và nhân sinh quan của ảnh hầu như tắt ngấm, mà chỉ còn lại trong bộ óc của ảnh những thứ tầm phào trong cuộc sống...
-Tôi cũng có một người bạn, cách đây mấy năm, anh ấy có vào bình một số đoạn trong blog.yahoo.360 và blogspot, rồi ảnh (!) tự xưng là 'thánh bút', ngoài ra, lúc nổi... điên lên, ảnh còn chê tất cả các nhà văn/thơ hiện nay của ta là... bồi bút, là nô dịch, trừ anh ta (!!!)... Tất nhiên tôi là người chơi blog, nên tôi hiểu tâm lý của các blogger, nên tôi không ghét ảnh, nhưng tôi có nói bóng nói gió rất nhiều lần là 'các lời bình của bạn, mới nghe thì có vẻ là rất hay, nhưng trên thực tế, nó toàn là bay bướm, rỗng tuếch và không có tác dụng gì trong xã hội'..., anh giận tôi, rồi nghỉ chơi luôn!...
...Từ đó, tôi mới rút ra là những người HAY GÁY thì cả đời cũng chả làm nên cái trò trống gì, nếu nói về mặt khoa học (chứ không phải tiền bạc hay quan chức), xin lỗi.
*
Đến trận VN thắng Philippines 3-1, tất nhiên là tôi có mừng, nhưng tôi lại bắt đầu nghe đủ thứ tiếng 'gáy' chung quanh tôi, mà kết quả là dự đoán trước trận đấu hôm nay (giữa VN và Malaysia), 97% người dân cho rằng người Việt sẽ thắng, nhưng tiếc thay, người Việt đã bại theo số dự đoán 3% còn lại, người Việt không chỉ bại hôm nay, mà hình như có ... bại trong cả quá khứ và tương lai!
Tại sao? Có lẽ họ chưa đánh đã bại, bại vì tiếng 'gáy'!
Trong trận đấu tối nay, tôi thấy người Việt rất LÚNG TÚNG, đá như gà mắc dây, tâm lý thi đấu rất thiếu ổn định (kể cả trường hợp của cầu thủ cầu lông Nguyễn Tiến Minh), không có 'một quả tim nóng và một cái đầu lạnh', mất bình tĩnh trong những thời đoạn có tính chất quyết định, và thường lấy... tự thua làm chính (mà khi thắng nhất thời một cái thì bắt đầu GÁY!)..., và chỉ khi không còn gì để mất thì người Việt mới xốc lên và may lắm thì mới làm nên một đại sự gì đó!
Về cái này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ hay ông Trần Ngọc Thêm,... gọi là 'TÍNH THÁI ÂM', tức là người Việt thường nhẫn nhục, chịu đựng, mãi cho đến khi họ bị dồn vào chân tường thì mới phản kháng lại với một sức mạnh... kinh khủng!, nhưng đến khi đánh được kẻ thù rồi thì họ lập tức chia rẽ và... chém giết lẫn nhau!
Và cũng vì thế, mà theo GS Joel Brinkley (giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford, Mỹ) đã nói là người Việt đã có khoảng 17 lần chiến thắng giặc xâm lược phương Bắc, nhưng sau mỗi lần đó!, nhưng bây giờ!...
*
Tôi định viết thêm vài đoạn nữa, tuy nhiên, mới đây, blogger Ái Nữ có gửi cho tôi một đoạn, lời bình của bạn Nguyễn Thanh Sơn, trên Facebook (https://www.facebook.com/nguyenthanhson/posts/10152444955857143?pnref=story):
"Mình không xem đá bóng bao giờ, nhưng với tính cách người Việt mình thì mình dự (đoán) tuyển VN hôm nay thua chắc. Mà thua mình mừng"
Tôi không biết tại sao bạn ấy mừng, nhưng tôi kết câu "với tính cách người Việt mình thì mình dự đoán tuyển VN hôm nay thua chắc"...

…Rồi tôi có nghe một câu chuyện (từ miền Bắc), đó là sau trận VN-Malaysia, một cháu bé 4 tuổi, chạy về nhà, không chịu ăn, khóc, và nói:
-Sau này lớn lên cháu sẽ giết Malaysia.
Một người trong nhà tôi mới buồn cười và bình rằng: ‘à, ta thua vì ta… ngu, ta phải làm sao cho hết ngu, chứ không phải tại Malaysia, mà đòi phải giết Malaysia mới thắng!’, còn con tôi thì bảo: ‘nó còn bé nên nó nói thế thôi bà à’…
*
...Hôm nay, đi hớt tóc, vô tình tôi với tay đọc được tờ báo 'Công an' (ngày 12/12/2014), trong đó có bài viết về trận VN-Malaysia, mà cũng có ý kiến như tôi, ngoài ra còn có cụm từ 'buông súng ngay từ hiệp 1'; rồi bài viết về cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông với dòng chữ (tôi nhớ lại): 'sự bất bình đẳng ngày càng nới rộng, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, tự do của người dân ngày càng hạn hẹp'; (rồi các công ty bên Úc trả lương cho công nhân nước ngoài là 10 USD/giờ, trong khi chỉ trả cho công nhân VN tối đa là 7 USD/giờ (một bài ở báo khác); nhưng có một tin rất ấn tượng là nam TQ lấy vợ TQ thì tốn 400.000 nhân dân tệ, trong khi đó lấy vợ VN chỉ tốn có 80.000 nhân dân tệ: tôi tự hỏi vì sao và vì sao?

...Trước khi đăng tải bài tổng hợp này, đã 5g chiều (13/12/2014), tôi làm một chuyến ra phố, định đến Hoa viên Thanh Đa (Sài Gòn) để thư giãn, nhưng sợ khi về bị kẹt xe hay đông xe nguy hiểm, tôi mới quẹo qua đường Trường Sa (bên cầu Thị Nghè), tìm một quán cà phê nhâm nhi, vừa mới ngồi xuống, tôi nghe một bà nói:
-Quán cà phê gì mà không chỗ đái, tôi đi tìm chỗ đái đây.
Lúc đó đã gần 6g tối, trời nhá nhem tối, mây đen kéo đầy trời, sắp có mưa to, mấy tay câu cá đã thu cần câu và trở về nhà, bóng đèn cao áp tỏa ánh đỏ mờ xuống mặt đường, còn cái hoa viên dài bên bờ kênh lộ ra bóng mấy cái cây đen mờ mờ ảo ảo, tôi thấy bóng chị ta tiến dần về phía bờ sông, tôi biết là chị ta sẽ làm gì!
Uống xong, tôi hỏi ‘bao nhiêu’, cô chủ quán bảo ‘7.000đ’, tôi đưa tờ 500.000đ, chị ta thối một xấp tiền lẻ là 493.000đ, tôi cười ngất, chị ta cũng cười theo.

Tôi ra về, có một cái bóng nhìn theo bóng tôi - trở về với cõi… thực, đang tiến dần vào dòng đời trôi nổi, mờ mịt và vô định.

(HẾT)
--------- 
Ghi chú:
Phần 1:
-Một số tham khảo khác:
...Chuyện xứ rùa, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/09/604-chuyen-xu-rua.html
...Nước Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường… trong khoảng vài mươi năm nay... đám sĩ phu thì ganh đua vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì… Nhân dân nước Nam bây giờ ngu xuẩn như trâu, như ngựa, tha hồ cho người ràng trói, cho người đánh đập, có miệng mà không dám kêu, gần chết mà không dám than thở. (Phan Chu Trinh)
...Bản thân ta tự nhận là mình xấu xa ngu muội thì càng khó… Vậy mà có cả một tập thể, một dân tộc tự nhận mình là không tốt. Nước Mĩ có sách Người Mĩ Trầm Lặng, Nhật Bản có quyển Người Nhật Xấu Xí, gần đây ta còn nghe một học giả người Đài Loan tên Bá Dương viết cuốn Người Trung Hoa Xấu Xí nữa. Tôi chưa đọc hết những quyển ấy nhưng hiểu tựu chung là họ nêu ra những tính xấu của dân họ, họ dùng ngòi bút để lôi những mảng tối trong đời sống văn hoá của dân tộc mình ra ánh sáng với ước mong một điều tốt đẹp cho tương lai. Và bây giờ ta hãy nhìn vào nước Mĩ, người Nhật… (blog saumietvuon)
...Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Nhưng, thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày. Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; Người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy birth đã không phải chết yểu đau đớn; Người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; Người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; Người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa. Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, buôn lậu dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi? ('Việt Nam - Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan', Thanh Niên online)
-Phan Bội Châu, 'Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta', Chương 5 'Việt Nam quốc sử khảo, xem: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/167780/tu-chuyen-nhat-to-thoi-xau-viet--xem-lai--tu-phan-.html
-Quyền lực mềm: là những thứ âm thầm thâm nhập vào ta mà ta không biết, như văn hóa (Tứ thư ngũ kinh, sách báo, phim ảnh, Viện Khổng Tử), tuyên truyền, (cái được gọi là) giáo dục, 'kết nghĩa Vườn Đào'..., tóm lại là ngược lại với 'vụ giàn khoan HY 981'...
-'Rửa sạch quá khứ', xem: http://nhagomlabang.blogtiengviet.net/2014/11/08/r_a_s_ch_qua_kh_h-Trương Vĩnh Ký (1837-1898) … có tri thức uyên bác, am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim Đông Tây, nên đương thời ông được giới học thuật Châu Âu liệt vào 18 nhà bác học trên thế giới ('Thế giới thập bát văn hào'). Ngoài ra, vì biết và sử dụng thông thạo 27 ngoại ngữ, nên ông trở thành nhà bác học biết nhiều thứ tiếng nhất ở Việt Nam, và đứng vào hàng những người biết nhiều ngoại ngữ bậc nhất trên thế giới (Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật, Hy Lạp, Thái, Pháp...). Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật..., riêng đối với nền báo chí Quốc ngữ Việt Nam, ông được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam", người đặt nền móng, bởi ông chính là người sáng lập, là Tổng biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo… (wikipedia)
-‘Tự trào dân tộc’, xem: http://saumietvuon.blogtiengviet.net/2014/11/07/t_trao_dan_t_c#c3252159
-Việt Nam - 'Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan', 
xem: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140324/viet-nam-nha-giau-va-nhung-dua-con-chua-ngoan.aspx 
-Việt Nam, lợi thế và kết quả, xem: http://www.gocnhinalan.com/nhung-cuon-sach-hay/viet-nam-nhung-con-biet-noi.html 
Phần 2:
Các nguồn có liên quan:
-Ảo tưởng về sức mạnh của Trung Quốc, David Sambaugh, http://saigondiemtin.blogspot.com/2014/07/ao-tuong-ve-suc-manh-trung-quoc.html
-Chỉ có kẻ ngu mới chống Hoa Kỳ, Lý Quang Diệu, http://saigondiemtin.blogspot.com/2014/11/chi-co-ke-ngu-moi-chong-hoa-ky.html
-Thái Bá Tân, https://www.facebook.com/tan.thaiba/posts/417132488387032
-'Thoát Trung hay thoát ảo', NGLB, http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/09/thoat-trung-hay-thoat-ao-phan-2.html
-Tiêu Phong và Trường Sa-Hoàng Sa, http://nhagomlabang.blogspot.com/2011/08/40-tieu-phong-va-truong-sa-hoang-sa.html
-Trung Quốc không thực sự mạnh, NGLB, http://nhagomlabang.blogtiengviet.net/2014/07/17/trung_qu_c_khong_th_c_s_m_nh
-VIỆT NAM - MỘT DÂN TỘC TỰ ÁI ĐẦY MÌNH (saumietvuon), xem lời bình số 7, http://nhagomlabang.blogtiengviet.net/2014/11/12/tinh_x_u_c_a_ng_i_vi_t 
Phần 3:
-Đại tướng xe tăng: Báo chí nước Việt mới đây xôn xao vì một thông tin bất ngờ mà nóng sốt: “Hai nông dân Việt được nhà nước Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân” (Một thế giới ,ngày 10/11). Đó là hai cha con ông Trần Quốc Hải (Tân Châu, Tây Ninh) và con trai ông, Trần Quốc Thanh. Cùng với huân chương Đại tướng quân, Quốc vương Campuchia cũng cấp giấy chứng nhận cha con ông Hải là những nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB, ghi nhận những đóng góp của hai người cho nền kỹ thuật của đất nước Chùa Tháp.
Xem: http://saigondiemtin.blogspot.com/2014/11/nghi-hoa-hong-va-ai-tuong-quan-xu-nguoi.html
-Người nước ngoài nhận định về tính xấu của người Việt, xem:
http://nhagomlabang.blogtiengviet.net/2014/11/17/p5657255#more5657255
-Tàu vũ trụ đổ bộ lên sao chổi: Cách Trái Đất hàng trăm triệu dặm, một tàu vũ trụ (DARMSTADT, Germany, nặng 100 kg) của Châu Âu đã đi vào lịch sử vào hôm thứ Tư (vào đúng 23 giờ 03, tối 12.11, NGLB), khi thành công đổ bộ lên bề mặt bụi bặm, lạnh lẽo của ngôi sao chổi (67P/Churyumov-Gerasimenko) đang di chuyển với tốc độ cao một khối cầu đá, băng, bụi, đường kính 4 km di chuyển với vận tốc 60.000 km/giờ) - một cuộc đổ bổ táo bạo lần đầu tiên nhằm trả lời cho ẩn đố lớn về vũ trụ, xem: 
http://vietdaikynguyen.com/v3/16730-tau-vu-tru-di-vao-lich-su-khi-lan-dau-tien-dap-xuong-sao-choi/ 

Phần 5
Phan Chu Trinh: …100 năm trước của cụ Phan Chu Trinh và ngày hôm nay của chúng ta 10 nỗi nhục sau đây không có gì thay đổi:
1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…
Muốn không còn 10 nỗi đắng cay và nhục nhã đó cần phải khai dân trí, chấn dân khí. Muốn khai dân trí, chấn dân khí trước tiên và trên hết phải cho dân biết SỰ THẬT. Chỉ có cách đó, không có cách nào khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét