Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Tâm sự của ‘chú ve’ về kiếp người

Lối xưa tôi bước trên đường
Rừng thông xanh ngát vấn vương khách nhìn
Hồ xanh tỏa mát đêm đêm
Dáng xưa còn đó, người quên sao đành!
Lối nay tôi ngắm cây rừng
Cây im im bóng tôi ngần ngại tôi
Ve kêu hè đến đây rồi
Tiếng ve rụng xuống kêu sầu giữa khuya.
Chú ve cũng không thể hiểu là tại sao mình đang lang thang phiêu bạt trong một cái thế giới trùng trùng duyên khởi, bỗng nhiên lại ‘đầu thai’ xuyên qua cái cánh cửa hay cái giếng trời của một cái ‘địa ngục trần gian’ nọ.
*
Ban đầu chú vùng vẫy và thét lên từng tràng dài ‘rét rét rét ’ như tiếng kêu ‘oa oa oa’ của một chú bé của loài người đang chào đời vậy. Ông chủ đang ở trong nhà, nghe thấy và biết là chú đang gặp ‘nạn’ - nơi chú lạc vào vốn không phải là một cái thế giới tự do mà loài ve hằng sống một cách tự nhiên, nhưng ‘thượng đế’ của chú không thể ‘cứu’ và trả lại tự do cho chú, vì chú quá nhỏ bé và nằm ở một xó xỉnh nào đó mà tầm mắt của ông không thể nào với tới được!
*
Có thể chú đang nằm dưới một cái bàn thờ ở trên gác, nơi mà chú thấy nhiều bức hình của người chết được thờ ở đó, người thì theo Phật, người thì theo Chúa, người thì vô thần, còn ông chủ nhà thì đang ngồi ở dưới lầu, viết về ‘bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung’ (không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu) mà có liên quan đến triết lý của đạo Hồi ở xứ Ba Tư cổ xưa. Chú đã ngạc nhiên, suy nghĩ và tự hỏi:
-Vậy thì đối với họ, cái gì là chân lý nhỉ?
Rồi chú nghĩ rằng:
-Có nhiều quan điểm khác nhau thì không phải là chân lý, mà đã nói chân lý thì phải có tính duy nhất, cũng như chỉ có một nước Việt Nam vậy, và vì con người nói chân lý theo cách suy nghĩ trần tục của họ, nên suy cho cùng, đối với thế giới tự nhiên này mà nói, chân lý vẫn là… không, vì chỉ có ‘KHÔNG’ là bất biến và là nguồn gốc của mọi sự biến đổi, mà ở đâu đó các câu rất hay:
Khoảng không là bản chất của vũ trụ!
Trống rỗng là bản chất của không gian!
Thinh lặng là bản chất của thời gian!
Và khi có tâm không, ta về với tự tính của mình!
*
Chú lại quan sát và lắng nghe những người hàng xóm hoạt động, và chú cũng tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến ‘đấng không bao giờ biết được’ và cái mà được con người gọi là ‘thế giới tâm linh’:
-Tâm linh là linh nhận sự thật từ cõi lòng sâu thẳm của con người (Lương Minh Đáng)
-Tâm linh là cuộc sống theo chiều sâu, trong chiều sâu tối thượng (Osho)…
Chú có nghĩ là con người sao lắm phức tạp!, người thì bảo có ‘thần’, người thì không bảo vậy, và chú cũng nhận thấy là những con người ‘thực’ sống ở đây chả cần quan tâm đến cái gì là thế giới tâm linh, mà nếu có quan tâm thì mấy cái định nghĩa đầy tính bác học và từ Hán Việt này - chắc chắn là chỉ dùng cho các phi-nhân, siêu-nhân hay các blogger cao thủ… mà thường-nhân như họ không thể nào hiểu nỗi, mà nếu có hiểu được thì cũng chả thay đổi gì cho cuộc sống 'thực' của họ…
Chú cũng có đôi khi nghĩ:
-Mình có nhớ vợ con không nhỉ?
Ừ, có, thì chú cũng là một sinh linh, cũng như con người, nên chú cũng đam mê tình khúc âm dương - sáng tạo tuyệt vời nhất của tạo hóa, chú cũng sẵn sàng sống chết vì con cái, và vì thế, vợ chú không thể nào mà không có vai trò trong đời chú, cho dù bà ấy có là thiên thần hay là ác quỷ đi chăng nữa!
Nghĩ tới đây, chú chợt nhớ lại câu chuyện về ông Kim mao sư vương Tạ Tốn (trong truyện của Kim Dung), ông có 13 người gồm vợ, con và người thân đã bị chính con người ‘ngụy quân tử’ là Thành Khôn tàn sát dã man, ông đã đem lòng căm thù thượng đế, kêu gào điên loạn và chửi ngài là ‘lão tặc thiên’, rồi chuyển và cống hiến hoàn toàn cái khát vọng của mình sang đứa con nuôi là Vô Kỵ, nhưng cuối cùng thì ông cũng đã giác ngộ và vĩnh biệt đứa-con-khát-vọng này để vào với thế giới ‘tứ đại giai không’, rồi chú kết luận:
-Ừ, vậy thì vợ chồng, con cái, gia đình…, tất cả cuối cùng rồi cũng chỉ là hư ảo.
*
Tối hôm qua, chú đã nằm mơ.
Trong đời thực, chú thấy mình giống như là một kẻ đang lang thang trong ‘cõi tạm’ này mà chả mấy khi được ai thông cảm và giúp đỡ, vì nó là lmột cái chợ đời đen bạc, là một cái ‘hội chợ phù hoa’ mà trong đó, đa phần là họ chỉ chém gió thôi. Thật vậy, nó giống như một cái nơi cạnh tranh sinh tồn vô tình, ví dụ như chú đánh bài ‘thắng’ thì họ xúm nhau nói xấu đàng sau lưng chú, nếu chú ‘thua’ và buồn thì những người thắng lại vui và chả quan tâm gì đến chú, và nếu chú ‘thua sạch túi’ và đứng dậy ra về thì ‘loài người’ chỉ bận lo đếm tiền mà không có một… ‘mỹ nhân’ nào bước ra cổng tiễn đưa và an ủi chú…
Nhưng trong giấc mơ, chú lại thấy có một phụ nữ có khuôn mặt rất nghiêm trang và thường an ủi chú, thức dậy, chú nhớ lại đó là ‘Quan thế âm bồ tát’, chú rất ngạc nhiên vì chú có mấy khi mà nghĩ về bà, có lẽ là một ấn tượng nào thời niên thiếu đã tiềm ẩn trong bộ óc của chú, tuy nhiên, chú cũng cảm thấy rất là an ủi...
*
…Những ngày hôm sau, tiếng kêu của chú càng yếu dần, nhất là vào đêm, thỉnh thoảng chú chỉ kêu được một tiếng ‘rẹt’ nho nhỏ và ngày càng thoi thóp. Sáng nay, ông ‘thượng đế’ của chú đi uống cà phê, thấy xác của chú nằm ngửa trên sân, bên cạnh một cái thùng rác, ổng lấy chân đẩy nhè nhẹ xem thử chú đã chết chưa, vâng, sau cả tuần không ăn, không uống, cô đơn và hoàn toàn không có sự… hỗ trợ của ‘thượng đế’, chú đã chết thật sự.
Trước khi chết, chú vẫn còn nhớ tiếng chim cu gáy kêu ‘cúc cù cu’, mà không rõ lý do, nó đã thình lình ra đi một cách lặng lẽ vào một buổi sáng sớm hôm nọ. Bây giờ, linh hồn của chú đã rời ‘căn nhà nọ’ và đang lang thang trong cõi vô cùng, chú bỗng nghe một tiếng ve khác kêu thoi thóp từng tiếng ‘rét… rét… rét' trong căn nhà đó: ồ, lại có một chú ve khác đang bị đầu thai vào chốn địa ngục trần gian…
Cuối cùng, chú đã sống bằng cách lột xác tuần hoàn, chết rồi lại sống với mỗi chu kỳ sống được nhiều lắm là 60 ngày, nên chú nghĩ là sự sống được hình thành từ cái chết, và chỉ cái cái chết là vĩnh cửu, đó là quy luật. Vâng, đúng vậy, lần này là chú chết thật, chú cũng như giọt sương và sẽ tan như giọt sương...
Giọt sương theo cỏ, giọt ngoan lành
Giọt sương theo nắng, giọt long lanh
Sương ơi, sương biết nơi nào ẩn
Lơ lửng giữa đời, sương vẫn tan!
NGLB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét