Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Đêm Noel không thể nào quên

LTS: Bài này đã được đăng trên trang Web 'Thi nhân Việt Nam đương đại', LB chép lại cho các bạn đọc cho vui. Chúc Giáng sinh vui vẻ.
---------
No-el này anh đến với em
Một chút vần thơ, chút ngọt mềm
Nhạc tình vần vũ bao tình cảm
Chỉ có mình ta trong bóng đêm




Chắc có bạn đọc sẽ ngạc nhiên là vì sao hôm qua hắn nói Phật thì hôm nay hắn nói Chúa. Bạn ạ, ngay trong entry đầu tiên hắn đã nói đến Chúa và Phật rồi đó. Đối với hắn, vấn đề là ở tư tưởng chứ không phải thiên về tôn giáo nào hay trường phái/chủ nghĩa nào. Tư tưởng con người không nên hạn chế trong bất cứ phạm vi nào, thật là giới hạn nếu bạn bắt đầu câu chuyện với một người bạn bằng cách hỏi ‘bạn theo đạo gì?’

Có một đêm, 24/12/1980, ở Sài Gòn, hắn với một người bạn theo đạo Tin Lành đi chơi Noel. Họ đã đi bộ từ Ký túc xá Ngô Gia Tự lên đến đường Trần Hưng Đạo, còn cách chợ Bến Thành vài km thì không đi được nữa - mật độ người đã dày đặc. Thế là họ phải ghé vào một cái nhà thờ trên đường Trần Hưng Đạo để ‘tản cư’. Thú thật, lúc đấy là một ‘bôn-xê-vít’ nên hắn chỉ ghé bất đắc dĩ vào nhà thờ để chờ một hai tiếng đồng hồ, sau đó khi mật độ người giảm dần thì tiếp tục đi.

Phải chăng con người có số phận, hết chỗ ẩn nấp sao lại xui khiến ẩn nấp trong nhà thờ. Tại đó, dù không muốn nghe cũng phải nghe, từng lời nói của vị linh mục cứ như thế rót vào tai hắn.

Ông ấy nói nói tâm hồn của con người như một cái bình chứa đầy những tạp niệm. Chúa sẵn sàng đến với con người, nhưng Ngài đến bằng cách nào trong khi con người không cho Ngài đến! Các người hãy đổ những tạp niệm ra, càng nhiều chỗ trống thì Ngài càng đến, cho tới khi cái bình rỗng không thì Ngài ngự hoàn toàn trong trái tim bạn.

Hắn nhớ mãi trên 30 năm về lời khuyên đó, không nhất thiết hắn phải nhớ chính xác như là các Cha nghĩ, vì hắn nghe với tư cách là người ngoại đạo. Nhưng lời nói đó, cứ lẩn quẩn trong đầu óc hắn và thỉnh thoảng nó lại xuất hiện.

Khi ngồi bên cái máy laptop để viết entry, hắn hiểu rất rõ ràng là tại sao người ta nói thượng đế luôn hiển hiện chung quanh ta, trong cái không gian ta đang ở, mà chính hắn cũng cảm nhận một cách rõ ràng như vậy.

Hắn cũng cảm nhận được rằng Chúa sẵn sàng đứng bên cạnh hắn và đưa tay bảo vệ hắn suốt đời mà không phụ thuộc vào số lần mà ai đó đi nhà thờ hay niệm ‘a men’.

Vì sự ảnh hưởng của lời giảng đó, khi hắn ra quán cà phê, để góp ý cho một người biết chỗ đúng sai của mình và để người đó tiếp thu cái đúng, hắn thường lấy ra một ly nước trà đầy và nói:
- ‘Đây là một ly nước trà đầy, ta đổ ra một ít nước thì trong ly trà lại xuất hiện một khoảng không, ta đổ ra càng nhiều nước thì khoảng không càng lớn, ta đổ hết nước trà ra thì ta có một cái ly trà hoàn toàn trống rỗng. Tư tưởng cũng vậy, nếu bỏ bớt tạp niệm hay cái tôi càng nhiều, thì sẽ tiếp nhận càng nhiều chân lý của cuộc sống, lúc đó có thể nói là ta đã trở thành bậc thông thái, nếu ta bỏ cái tôi hay tạp niệm hoàn toàn!, khi đó cái tôi hòa nhập với vũ trụ làm một, hay nói cách khác là ta đã trở thành đấng ‘giác ngộ’.

Chữ ‘không’ cũng có sự khác biệt bạn ạ, bình thường khi nói ‘không’ thì ta nghĩ đến con số 0 hay không có gì. Với đạo Phật, dù nói không hay nói sắc, bạn cũng nghĩ đến không, bởi vậy bên phái Thiếu Lâm mới có những người có pháp danh là Không Kiến, Vô Sắc hay Hư Trúc… Khác với chữ ‘không’ mà hắn nghe trong nhà thờ, không ở đây tức là dẫn đến có, mà có ở đây là có ‘Chúa’. Nhưng dường như không tồn tại một sự khác biệt như vậy, mọi thứ đều quy về làm một, khi ‘lòng đã bình an’ thì đã có Phật hay có Chúa trong đó rồi.

Cũng cần nhắc lại, mỗi người, đặc biệt là trong lúc cô đơn, ốm đau nặng, tai biến nghiêm trọng, hay lúc tuyệt vọng... thì họ có nhiều cách để tìm lối thoát tinh thần cho mình. Paven Coócsagin thì tìm lối thoát từ tư tưởng cộng sản, Steve Jobs thì tìm lối thoát từ tư tưởng Phật giáo, Jean Valjean thì tìm lối thoát từ tư tưởng Chúa, người Islam thì tìm lối thoát từ tư tưởng Hồi giáo… Không phê phán, đó là vấn đề tâm linh mà vì thế lối thoát tinh thần của mỗi con người sẽ khác nhau. Tuy nhiên, bài toán ‘giải thoát’ đến nay và mãi mãi về sau cũng không thể nào có lời giải duy nhất.

Và không biết hắn có bị ảnh hưởng Phật, Chúa hay văn hóa ‘thờ ông bà’ thế nào đó mà mỗi khi có ai tuyên bố là sẽ thành công 99% hay 100% thì hắn lập tức chỉ lên trời và nói là ‘phải chờ ông đó’. Thật vậy, dù duy vật hay duy tâm, người mà quyết định cuối cùng hết mọi thứ là ‘ông trời’. Các bạn hãy kiểm tra thử xem, chả lẽ cả đời các bạn chưa bao giờ kêu ‘trời ơi!’ đó ư, người Tây kêu là ‘oh, my God!’ đó, Khổng Minh mà còn kêu trời huống gì là bạn.

Ngoài cái đêm Noel trên, do số phận đã đưa đẩy, hắn đã được nói chuyện với một nhà sư ở núi Châu Thới, Thủ Đức, năm 1981, hắn đã từng nói chuyện mấy lần với Cha ở nhà thờ Hòa Đông và gần như nghe chuyện suốt đêm với một linh mục bên bờ hồ Tình Thương khoảng năm 1986-1988…

Hắn cũng biết có nhiều cách để tiếp cận Chúa, trong đó có một cách mà người ta gọi là tiếp cận bằng lý tính, hắn đã tiếp cận như vậy. Vả lại trong bài này, hắn không có phân biệt đâu là đạo Tin Lành, đâu là đạo Thiên Chúa, hắn cũng không phân biệt đâu là chính đạo và đâu là tà ma ngoại đạo, hắn chỉ biết cảm nhận mà thôi - các vấn đề về Chúa và thượng đế như thế nào.

Và tất cả những cái trên cộng với các tư tưởng ‘góp nhặt’ từ bạn bè, các tư tưởng xã hội giao thoa trước và sau 1975 và tư tưởng tư bản và CS đã hòa quyện trong người hắn để thành một thể riêng, đó là hắn.

Cuối cùng, nói chi cho nhiều, cái mà ta tưởng là ít thì thật ra lại đầy rẫy trong xã hội, đó là người ta sẽ bất chấp Phật, Chúa, Thượng đế, Ala hay cái được gọi là ‘duy vật’ để đạt được 2 cái ‘sướng’, đó là tiền và tình, mà vì thế người ta mới sản sinh hoài cái triết lý là thế nào là dùng tiền ‘đúng’ và thế nào là dùng tình ‘đúng’...  

(HẾT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét